Kể lại chuyện lồng tiếng phim Osin

Hoàng Mai (Thực hiện)-Thứ năm, ngày 26/08/2010 11:30 GMT+7

Một buổi chiều tháng 8, tôi gặp bác Mạnh Hùng - nguyên Phó phòng Biên tập phim, Ban Thư ký biên tập, Đài THVN, để nghe bác kể về kỷ niệm của những người làm truyền hình Việt Nam những năm 90, đặc biệt là kỷ niệm lồng tiếng Việt cho phim Osin - một bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản.

Mùa hè năm 1994, phòng Biên tập phim thuộc Ban Thư ký biên tập, Đài THVN nhận vinh dự lồng tiếng bộ phim Osin của Nhật Bản. Việc lồng tiếng Việt vào phim truyện nước ngoài không phải là công việc mới mẻ, ngay cả đối với truyền hình Việt Nam. Song, việc lồng tiếng bấy giờ quá đơn giản, thiết bị thô sơ, chưa đủ sức đứng vững với tư cách là nghệ thuật để có thể để lại thiện cảm đối với người xem.

Khi được giao nhiệm vụ lồng tiếng Việt cho phim Osin, chúng tôi vừa mừng lại vừa lo nhưng có lẽ mừng thì ít mà lo thì nhiều hơn, nhất là khi được biết Osin đã từng nổi tiếng không chỉ ở Nhật Bản mà còn được lồng tiếng nhiều ngôn ngữ khác nhau, giới thiệu trên sóng truyền hình của hơn 40 quốc gia.
Lãnh đạo Đài, Ban cùng vào cuộc
Công việc trực tiếp là của phòng Biên tập phim nhưng nỗi lo đã làm cả Ban Thư ký biên tập cùng gánh vác. Các anh Đình Thanh (lúc đó là Trưởng ban), anh Đỗ Văn Hồng (lúc đó là Trưởng phòng BT Phim, hiện đang là Trưởng Ban TKBT), người trực tiếp tham gia với tư cách biên dịch (từ văn bản tiếng Anh sang tiếng Việt) đều vào cuộc.
Phòng phát thanh viên rất nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ chúng tôi. Chị Kim Tiến được lãnh đạo ban trực tiếp chọn là người lồng tiếng người dẫn chuyện. Còn lại, các nhân vật của phim, trong đó có nhân vật trung tâm là Osin và hơn 20 nhân vật chính khác mà giọng nói của họ cũng đòi hỏi phải được lồng tiếng nhất quán.
Đội ngũ lồng tiếng ở Đài không có, buộc chúng tôi phải chọn lựa và tập hợp các nghệ sĩ ở nhiều nhà hát, các đoàn nghệ thuật và điện ảnh ở bên ngoài Đài về hợp tác.
Thời gian ít, công việc nhiều, trời tháng 5 lúc nắng lúc mưa, oi ả cả ngày, chúng tôi ai cũng thấm mệt, song lúc nào cũng canh cánh bên lòng một nỗi lo. Làm sao để có thể thực hiện thành công việc lồng tiếng Việt vào phim Osin trên một dây chuyền công nghệ hiện đại với trang thiết bị chuyên dụng? Một công việc hoàn toàn khác với việc lồng tiếng phim cuối thập kỷ 80.
Chưa lần nào, lãnh đạo Đài, lãnh đạo Ban Thư ký biên tập lại chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên quan tâm tới việc làm chương trình của chúng tôi như lần này. Rõ ràng, đây là lần đầu tiên chúng tôi được tổ chức lồng tiếng Việt cho phim nước ngoài một cách nghiêm túc và quy mô nhất và cũng là lần đầu tiên các kỹ sư điện tử và kỹ thuật viên âm thanh của Đài, các diễn viên lồng tiếng được tiếp xúc với những trang thiết bị lồng tiếng hiện đại từ phía Nhật Bản chuyển sang.
Những ngày tháng không quên
Thời gian phát sóng phim Osin đã ấn định vào tối chủ nhật 3/7/1994. ngày 20/5/1994, băng hình phim Osin mới được chuyển về Đài, còn máy móc, thiết bị lồng tiếng thì vẫn bị kẹt ở sân bay quốc tế Nội Bài.
Tôi là người được giao biên tập và tổ chức lồng tiếng, anh Hồng là người dịch toàn bộ kịch bản từ tiếng Anh sang tiếng Việt, cũng tới hôm đó mới có vẻn vẹn 10 bản vừa dịch xong, đủ để tiếng hành lồng tiếng 150 phút phim, trong khi tổng phim là 4.200 phút. Còn nội dung phim cũng chưa hề được biết đến. Diễn viên lồng tiếng cũng mới chỉ tập hợp được 3 người: Trần Nhượng, Hương Dung, Đỗ Kỷ.
9h30 ngày 27/5, chúng tôi bắt tay vào công việc, ngay sau khi máy móc được chuyển từ Nội Bài về, lắp đặt chưa hoàn chỉnh chứ chưa nói gì tới vận hành. Một ngày nữa lãng phí lại trôi qua... Trong lòng chúng tôi thì như lửa đốt.
Nhân viên kỹ thuật của Đài THVN và Nhật Bản đã nỗ lực hết mình để kịp thời cho diễn viên lồng tiếng. Phải nói rằng, họ đã trải qua những ngày tháng quá vất vả. Các diễn viên tham gia, tuy không phải lần đầu bước vào phòng lồng tiếng, một số đã rất thành thạo trong việc lồng tiếng phim. Song với quy trình làm việc kết hợp đồng bộ giữa đĩa laze ghi tiếng và băng hình, đòi hỏi sự khớp tiếng khớp khẩu hình thật chuẩn, trong khi vẫn đảm bảo được chính xác tới từng động thái, hơi thở, các cung bậc khác nhau của tiếng cười, tiếng khóc và lời thoại trong phim thì không phải dễ.
Trong quá trình lồng tiếng, có diễn viên không đủ lòng kiên nhẫn để chịu đựng sự thử thách gắt gao của nghệ thuật lồng tiếng phim nên đã ra đi. Song, điều đáng quý nhất ở các nghệ sĩ này là không một ai trong số họ lại từ bỏ "vai diễn" của mình chỉ vì tiền thù lao được trả quá ít hay vì điều kiện kỹ thuật chưa thành thạo đã làm lãng phí bao thời gian công sức của diễn viên.
Gần 1 tuần lễ đánh vật với máy móc và công việc lồng tiếng Việt vào phim nước ngoài, một công việc vừa mang tính nghệ thuật lại vừa đòi hỏi phải chính xác tối đa về kỹ thuật, ngày 3/6/1994, chúng tôi mới chỉ làm được 15 phút phim Osin nói tiếng Việt, kịp cho phía Nhật đem về Tokyo.
Tuy nhiên, sau khi các bạn Nhật về nước anh em chúng tôi và diễn viên xem lại thấy chưa đạt yêu cầu của nghệ thuật diễn xuất lời thoại liền quyết định cùng với trưởng phòng lên gặp anh Đình Thanh xin hủy để làm lại từ đầu.
Sau đó, ngày nào cũng vậy, hầu như suốt ngày chúng tôi ở phòng lồng tiếng, mọi công việc thường ngày anh chị em khác ở trong phòng phải gánh vác thay. Chúng tôi đã phải làm cả 3 ca: sáng, chiều, tối. Tháng đầu có chuyên gia người Nhật, họ thấy anh em chúng tôi làm quá vất vả đã mua nước ngọt và bánh bồi dưỡng cho chúng tôi lúc làm. Họ cũng thông tin cho chúng tôi biết, 15 phút phim họ mang về phát thử trên truyền hình NHK, được người Nhật rất hoan nghênh và cảm phục. Họ cũng không hề hay biết, chúng tôi đã quyết tâm làm lại bản đó để hay hơn nữa...
(Còn nữa)

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước