Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Bài hát có số mệnh

Như Quỳnh-Thứ bảy, ngày 10/10/2009 13:35 GMT+7

“Có một bài hát mới, hay, độc đáo đối với công chúng nó là cả một vấn đề lạ lùng lắm. Nó như số mệnh! Có những nhạc sĩ rất tài, viết những bài hát mình rất ưng nhưng mà ra đời sống lại bị công chúng lạnh nhạt. Có những bài họ chẳng tâm đắc mấy, vào đời sống nó lại rất ồn ào” - nhạc sĩ Nguyễn Cường bộc bạch.

* Với vai trò là một thành viên Hội đồng thẩm định, nhạc sĩ đánh giá như thế nào về chất lượng các ca khúc Bài hát Việt trong 5 tháng qua?

Khi đánh giá một bài hát thì không thể đánh giá nhanh qua một lần diễn. Có những bài hát 5 năm sau, thậm chí 7, 8 năm sau nó mới phát huy hết sức mạnh của nó nhưng cũng có những bài hát vừa ra đời cái là đã ào ào ngay, cho nên nhận định một bài hát không dễ chút nào.
Ngay như những bài tham gia BHV trình diễn mới đây thôi nhưng có thể phải 5 năm hay 10 năm sau người ta mới biết có một bài như thế, nó mới phát triển, mới ngấm vào đời sống. Nói như thế để thấy khi đánh giá, nhận thức bài hát thì phải có một thời gian.
Có một bài hát mới, hay, độc đáo đối với công chúng nó là cả một vấn đề lạ lùng lắm. Nó như số mệnh! Có những nhạc sĩ rất tài viết những bài hát mình rất ưng nhưng mà ra đời sống lại bị công chúng lạnh nhạt. Có những bài chẳng tâm đắc mấy, vào đời sống nó lại rất ồn ào. Cho nên các bài hát mới trong Bài hát Việt mới xuất hiện 1-2 liveshow để mà đánh giá được nó thì chưa chắc lắm.
* Có ý kiến cho rằng chất lượng các ca khúc Bài hát Việt 5 tháng qua không bằng những năm trước, ý kiến của nhạc sĩ như thế nào?
Với mỗi bài hát, Hội đồng thẩm định mở hết lòng và trí tuệ mình ra để cảm thụ nên có thể đọc được nhiều phần trăm trong bài hát nhưng đối với những người mới nghe qua một lần thì thấy nghe không "lọt" thì cũng dễ hiểu.
Bởi vì nghe một bài hát quen cũng như gặp người quen, người ta dễ dàng hiểu nhau nhưng nghe một bài hát mới cũng như gặp một người mới, người lạ thì cũng phải từ từ… Phải cần có thời gian để tìm hiểu, cảm nhận.
Hơn nữa, đóng góp của Bài hát Việt là không thể phủ nhận. Thử hỏi bây giờ những bài hát nghiêm chỉnh nhất được trình diễn trong các cuộc thi chuyên nghiệp, cuộc thi quần chúng hay trên các phương tiện thông tin đại chúng là ở đâu nào? Rất nhiều là từ Bài hát Việt, tôi có thể khẳng định như vậy.
Không chỉ thế, từ chương trình Bài hát Việt một thế hệ tác giả trẻ với những cái tên như Lưu Thiên Hương, Đức Cường, Hải Phong, Dương Cầm, Sa Huỳnh… cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi năm nào họ cũng phải có bài hay được.
Họ cũng có thời gian lắng lại, bởi tâm lí của người mới sáng tác bao giờ cũng thế, như dồn tụ 20 năm tuổi trẻ của mình mới được một vài bài hát, ra được vài bài là hụt hơi… Bản thân tôi cũng thế… Hãy cho họ một thời gian để định hình. Chúng ta phải chờ đợi!
* Tháng 7, giải thưởng Hội đồng thẩm định đã phải bỏ trống vì không tìm ra tác phẩm đủ tiêu chí. Nhạc sĩ Dương Thụ lúc lên công bố điều này có nói rằng đó là một lời nhắc nhở tới các tác giả trẻ không được hài lòng với chính bản thân mình. Quan điểm của nhạc sĩ như thế nào?
Đúng, đó là một lời nhắc nhở! Tháng nào không đáng để có thì không bầu và tháng nào có hai bài xứng đáng thì sẽ chọn cả hai. Việc làm đó cho thấy tiêu chí của chương trình rất rõ ràng…
* Hỏi thật, mỗi khi không tìm ra được ca khúc xứng đáng như thế, nhạc sĩ có thấy buồn?
Tôi không buồn mà cũng không vui mà tôi hiểu được. Âm nhạc không giống GDP, năm này phải hơn năm trước hoặc phải phấn đấu để đạt chỉ tiêu…
Nó là một cái gì đó phát triển ngoài ý muốn của chúng ta. Miễn là các lớp trẻ hào hứng và phấn đấu chứ được hay không được có nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý và may mắn chứ không phải cứ cố gắng là được. Nhân loại cũng có cả một đêm trường trung cổ về nghệ thuật cơ mà! (cười)
* Có một bài báo gần đây cho rằng, việc để các tác giả trẻ, đang viết sung sức như Võ Thiện Thanh, Quốc Trung, Anh Quân, Lê Quang vào Hội đồng thẩm định, đồng nghĩa với họ không được gửi bài tham gia Bài hát Việt, cũng là một trong những yếu tố làm cho Bài hát Việt thời quan qua không có nhiều ca khúc hay…
Họ cần phải vào để có một tiếng nói của tuổi trẻ, để biên độ tai nghe của Hội đồng thẩm định được mở rộng ra. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết chứ còn 1-2 người đâu có thể làm nên mùa vàng.
Bên cạnh đó, đội ngũ tác giả trẻ hiện nay đông đảo chứ, nếu kể thoáng ra thì bây giờ có xấp xỉ 20 người, viết cứng tay, ngoài ra hàng tháng luôn xuất hiện những tác giả mới lần đầu xuất hiện nhưng đã giành được giải thưởng của HĐTĐ.
Thực ra Bài hát việt không phải một cuộc thi mà là động viên để cho tác giả trẻ họ có điều kiện nhanh chóng nhất tiếp cận công chúng, cái mà thế hệ chúng tôi không có được.
* Nếu có vài góp ý cho các tác giả trẻ bây giờ, nhạc sĩ sẽ nói điều gì?
Tôi không có gì góp ý cả. Họ tự thân vận động và đời sống sẽ tác động vào họ, nuôi họ, cho họ những khát khao, cho họ vẻ đẹp của đời sống… Nếu họ đón nhận với thái độ chân thành thì may ra họ sẽ có những tác phẩm được công chúng đón nhận… Tôi nói "may ra" bởi vì có những người rất tài, rất có tâm nhưng thiếu cái may mắn...
* May mắn?
Cái trời cho đấy! Yếu tố may mắn quan trọng lắm chứ!
* Là người theo sát Bài hát Việt từ những ngày đầu, nhạc sĩ có thể cho một vài dự báo về sự phát triển của chương trình?
Tương lai không nói trước được! Tương lai của Bài hát Việt tồn tại lâu dài là do tài năng, do may mắn của các thế hệ tham gia.
* Một câu hỏi rất riêng tư. Dường như dạo này nhạc sĩ đang khá im ắng, có phải nhạc sĩ đang… “hụt hơi”?
Tôi không hụt hơi, thời đó qua rồi. Hiện nay, tôi đang ấp ủ nhiều đề tài chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long…
* Nhạc sĩ có thể bật mí?
Không thể bật mí được… chỉ có thể nói rằng sẽ rất hoành tráng! (cười)
* Cám ơn nhạc sĩ!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước