2013: Kinh tế có nhiều cơ hội vượt khó

Đăng Tú-Thứ hai, ngày 07/01/2013 15:01 GMT+7

Ảnh minh họa

Năm 2012 được đánh giá là năm chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc lấy kiềm chế lạm phát, đưa chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý và tái cơ cấu lại nền kinh tế. Những nỗ lực này đang dần giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, cho dù năm 2013 vẫn được đánh giá còn nhiều khó khăn phía trước.

Kinh tế Việt nam năm 2012

Năm 2012, kinh tế vẫn tiếp tục chưa thoát khỏi khó khăn, tăng trưởng kinh tế giảm, dẫn đến hàng loạt hệ lụy về hàng tồn kho, doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, năm 2012 vẫn được đánh giá là năm Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc lấy kiềm chế lạm phát, đưa chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý và tái cơ cấu lại nền kinh tế. Những nỗ lực này đang dần giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, cho dù năm 2013 vẫn được đánh giá còn nhiều khó khăn phía trước.

Tốc độ tăng trưởng GDP

Năm 2012 kết thúc với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản đều không đạt được. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2012 chỉ đạt mức 5,03%, mức này thấp hơn đáng kể so với dự báo gần nhất là 5,2% - 5,3%. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý I tăng 4,64%, quý II tăng 4,80%, quý III tăng 5,05% và quý IV tăng 5,44%.

Ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, cho biết: “Tuy là chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đưa ra từ đầu năm và chỉ tiêu cũng không không đạt so với ý tưởng và quyết tâm mà Chính phủ điều hành là 5,2%. Tuy nhiên, với 5,03% đạt được tăng trưởng GDP năm nay đó là một sự cố gắng, một thành tích của nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện rất khó khăn của năm 2012”.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho biết thêm: “Chúng ta đã giữ ổn định được tổng mức đầu tư, khi tình hình nền kinh tế khó khăn chúng ta đã mạnh dạn đưa ra một gói ứng trước của năm 2013 cho năm 2012 là 30 nghìn tỉ. Như vậy điều hành của chúng ta đã linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với vận hành của nền kinh tế, không có quá nhiều sự áp đặt duy ý chí. Tôi nghĩ rằng đó là những điểm sáng để củng cố, xây dựng lại niềm tin của doanh nghiệp và của người dân vào kinh tế vĩ mô”.

So với năm 2011, tăng trưởng kinh tế năm 2012 giảm 0,86%. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tốc độ tăng trưởng thấp sẽ đến hàng loạt hệ lụy đến kinh tế xã hội của đất nước

Tăng trưởng kinh tế thấp đối với một nước đang phát triển như Việt Nam không chỉ tác động đến công ăn việc làm mà còn tác động đến khả năng tiếp tục tăng thu nhập về bình quân đầu người và các vấn đề về xóa đói giảm nghèo, vì tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng nhất đối với các nước đang phát triển. Do đó tôi cho rằng năm 2012 tốc độ tăng trưởng thấp như vậy, nên chúng ta đã bị hạn chế hàng loạt các khả năng xử lý các vấn đề về phát triển, vấn đề về xã hội hay kể cả các vấn đề về chi tiêu ngân sách nhà nước”,ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết.

Như vậy, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% - 7% như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 là một thách thức đáng kể. Do năm 2011, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,89%; năm 2012 là 5,03%; năm 2013 tăng trưởng kinh tế dự báo khoảng 5,5% nên hai năm còn lại 2014 - 2015, trung bình tăng trưởng kinh tế phải đạt 8% - 9%.

“Thực hiện chủ trương tái cấu trúc lại cái nền kinh tế, đặc biệt là xác định mô hình tăng trưởng thì hiện nay mô hình tăng trưởng của Việt Nam quá lỗi thời, và trong 3 năm thực hiện cùng với nghị quyết của Đảng và chiến lược về cơ cấu đầu tư, mô hình sản xuất chưa có gì thay đổi, và chính mô hình đó đang làm cho chúng ta rất luẩn quẩn trong vấn đề giảm phát, lạm phát và tăng trưởng thấp. Vì vậy tôi nghĩ đây là chỗ bức bách nhất trong việc giải quyết vấn đề kinh tế trong năm 2013”, ông Lê Đình Ân nói.

Tuy nhiên, nếu nhìn một khách quan, tăng trưởng kinh tế nước ta thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ từ bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và quan trọng hơn đó là mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Theo tổng cục Thống kê, năm 2012 lạm phát đã được kiềm chế ở mức 6,81%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu phấn đấu kiềm chế ở mức 8% cho cả năm.

Chỉ số CPI

Lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng cũng được đưa về mức hợp lý hơn. Theo tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng nước ta đang ở mức 6,81% thấp hơn mục tiêu 7% - 8% đề ra trước đó. Hơn nữa, mức tăng 6,81% cũng xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,12% của năm 2011.

Ông Vũ Đình Ánh, cho biết: “Chỉ số giá tính theo hàng tháng của cả năm 2012, ngoại trừ tháng 9 có mức tăng khá cao do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các tháng còn lại tăng rất là thấp. Và có tháng còn tăng âm liên tục 2 tháng. Với diễn biến chỉ số của từng tháng và cả năm như vậy, có thể nói đây là một thành công bước đầu của chúng ta về vấn đề kiềm chế và kiểm soát lạm phát cho năm 2012”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho biết: “Đây là một tín hiệu vui cho người dân vì như vậy khoảng cách khó khăn, độ lo khó khăn của người dân sẽ giảm hơn so với các năm trước. Nhưng dưới góc nhìn vĩ mô đây lại là một áp lực rất lớn cho năm 2013. Bởi vì nếu chúng ta muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát của năm 2013 phải như của năm nay hoặc là phải thấp hơn, đó chính là cái áp lực cho điều hành vĩ mô năm 2013”.

Chỉ số hàng tồn kho

Tuy nhiên, khi lạm phát được kiềm chế sẽ tác động ngược lại đến tốc độ tăng trưởng và trực tiếp là các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đóng cửa, lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Theo nhiều nhà phân tích đây là điều buộc phải chấp nhận khi lựa chọn mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Bằng nhiều biện pháp từ Chính phủ xuống các bộ ngành, lượng hàng tồn kho đã bắt đầu giảm dần vào những tháng cuối năm. Theo đại diện Bộ Công thương chỉ số hàng tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo đến ngày 1/10/2012 chỉ còn 20,3%, giảm so với 34,9% thời điểm 1/6/2012 và 21,1% thời điểm 1/10/2011.

“Chỉ số hàng tồn kho đang giảm dần, quý I là 34%, nhưng đến hết quý II xuống còn 26%, và quý III tiếp tục giảm. Tốc độ tăng trưởng GDP quý sau lại tăng cao hơn so với quý trước, như vậy là trong khoảng tối đấy lại có những điểm sáng đang lộ dần ra, điều này tạo ra cho chúng ta một niềm tin là sang năm 2013 sẽ có nhiều cơ hội để vượt qua khó khăn hơn”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết.

Tuy nhiên, trên một góc độ khác nhiều nhà phân tích cho rằng: Chỉ số hàng tồn kho giảm rất có thể xuất phát từ việc ngừng hoạt động của các doanh nghiệp, cùng như việc cắt giảm hiệu suất sản xuất.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói: “Con số về cuối năm so với đầu năm có vẻ suy giảm nhưng thực tế mức độ tồn kho vẫn rất cao, và tồn kho giảm đi là do các doanh nghiệp tiếp tục ngừng trệ và không sản xuất nữa, kể cả các doanh nghiệp còn đang hoạt động họ cũng giảm đi rất mạnh năng lực sản xuất của họ, vì vậy tình trạng tồn kho đỡ chứ không phải tồn kho giảm về cuối năm”.

Số lượng doanh nghiệp phá sản

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo đến hết năm nay sẽ có khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể. Tuy nhiên, bù lại sẽ có 65.000 doanh nghiệp thành lập mới, và theo cái nhìn tích cực lạc quan vẫn còn 10.000 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế.

Vừa qua Chính phủ và các bộ ngành đã đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Và ngành đầu tiên được quan tâm lớn nhất là bất động sản. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ góp phần thúc đẩy sự sản xuất trở lại của nhiều ngành khác

“Chúng ta chọn nợ xấu của thị trường bất động sản là vấn đề trọng tâm để xử lý, xử lý được nợ xấu của bất động sản sẽ xử lý được phần nào hàng tồn kho của các doanh nghiệp, và xử lý được nợ xấu của các tổ chức, các ngân hàng. từ đó chúng ta sẽ bắt đầu khơi thông được dòng tiền của nền kinh tế”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết.

Ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, cũng lưu ý thêm: “Một vấn đề cần phải chú ý là việc giải quyết nợ xấu tốt, mới tái cấu trúc được ngành ngân hàng. Còn nếu giải quyết nợ xấu không tốt, chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ không có hiệu quả, đấy là những vấn đề rất lớn về nợ xấu”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính đến tháng 11/2012, ngành Thuế đã xử lý miễn, giảm, gia hạn tiền thuế theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ nêu trên cho khoảng 457.500 lượt doanh nghiệp và hộ sản xuất, hộ gia đình và cá nhân, với số tiền khoảng 19.025 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là điều cần thiết, nhưng cứu ngành nào, vì sao phải cứu sẽ là những câu hỏi cần phải được tính toán cụ thể.

Nhiệm vụ kinh tế năm 2013

Năm 2013, Nghị quyết của Quốc hội xác định mục tiêu tổng quát là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn năm 2012. Do vậy, hệ thống giải pháp điều hành năm 2013 được Chính phủ dự thảo bao gồm 9 nhóm giải pháp lớn với 28 nhóm giải pháp cụ thể. Mục tiêu của những giải pháp này nhằm đảm bảo năm 2013 tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,5% và tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn năm 2012.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng năm 2012 là 5,03%, theo đánh giá đây một cố gắng lớn và hợp lý trong bối cảnh Chính phủ dồn toàn bộ cơ chế, chính sách cho mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Và năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa cải thiện và những yếu kém thuộc về cơ cấu và nội tại nền kinh tế chưa thể giải quyết một sớm, một chiều thì mục tiêu 5,5%, vẫn là một thách thức.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,5%, chúng tôi đánh giá là có thể đạt được, chắc chắn có thể đạt được với một điều kiện là chúng ta phải giải quyết tốt và tập trung xử lý các thách thức của chúng ta.

Đó chính là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết những tồn tại lớn như vấn đề hàng tồn kho, bất động sản để làm sao thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Và nếu như không có vay vốn, không có đầu tư, không có sản xuất kinh doanh làm sao có tăng trưởng. Nên vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải tiếp cận được vốn ở mức lãi suất hợp lý hơn, thấp hơn so với hiện nay, từ đó mở ra nhu cầu của thị trường, tăng cung lên…Đây là biện pháp thúc đẩy và tháo gỡ hàng loạt những chính sách khác cho doanh nghiệp”.

Giải pháp tiền tệ và tín dụng - yếu tố quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Những giải pháp về tiền tệ và tín dụng được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài việc trong năm 2013 sẽ xử lý điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của nền kinh tế là nợ xấu, với khoản nợ xấu được xử lý là 170 đến 180 nghìn tỷ đồng, sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát biểu: “Ngoài biện pháp giải quyết nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua các công cụ tái cấp vốn để xử lý nợ xấu và hỗ trợ thêm vốn cho các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp có công nghệ cao, tôi tin tưởng rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta sẽ đạt được và những khó khăn của các doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ một cách cơ bản..”

Song hành và đồng bộ với giải pháp tiền tệ, 21 giải pháp về tài chính và tài khóa đã được Chính phủ đưa vào 2 dự thảo Nghị quyết quan trọng được ban hành sau để triển khai trong cả nước và cả năm 2013. Đó là Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước; Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Theo Bộ Tài chính, các giải pháp này làm hụt thu khoảng 5 ngàn tỷ đồng, song sẽ giúp làm tăng tổng cầu, giảm bớt chi phí đầu vào của doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản của nền kinh tế và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của nước ta trong năm tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước