Báo chí Nga: Giá trần khó ảnh hưởng khí đốt Nga

Nhật Linh (PV Đài THVN thường trú tại Nga)-Thứ ba, ngày 27/12/2022 12:08 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Hơn hai tuần sau khi áp giá trần lên dầu Nga, EU đã thống nhất áp giá trần với khí đốt Nga, với mục tiêu vừa trừng phạt Moskva vừa kiểm soát khủng hoảng giá năng lượng.

Theo đó, trần giá khí đốt vào khoảng 180 Euro/Megawatt giờ, tương đương gần 2.000 USD/1.000 m3, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/2/2023.

Báo chí Nga nhận định, mức giá trần khí đốt mà EU sẽ áp đặt cao gần gấp đôi giá giao ngay ở thời điểm này. Điều này có nghĩa, giá trần khí đốt sẽ không ảnh hưởng đến mức giá hiện tại và giá thực tế của Tập đoàn Năng lượng Gazprom.

Tờ Báo Nga (Rossiskaya Gazeta) lưu ý, các hạn chế của EU chỉ áp dụng cho giao dịch hối đoái và trên các sàn giao dịch châu Âu - nơi Gazprom đã không còn tồn tại kể từ năm ngoái. Giao dịch tự do dựa trên các hợp đồng dài hạn song phương không chịu sự hạn chế EU và Tập đoàn Nga đang làm việc với châu Âu ở chế độ này.

Gazprom cho biết, tính đến ngày 15/12 lượng giao hàng của công ty tới các quốc gia không thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) năm nay lên tới 97,8 tỷ m3 - thấp hơn 45 % so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do xuất khẩu sang châu Âu giảm. Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc đang tăng lên thông qua đường ống dẫn khí Sức mạnh Sibiri.

Theo tờ Vedomosti, trong năm 2021 Gazprom đã xuất khẩu hơn 185 tỷ m3 khí đốt sang các quốc gia không thuộc SNG, với giá trung bình 274 USD/1.000 m3. Trong nửa đầu năm 2022, giá xuất khẩu khí đốt Nga đã vượt quá 730 USD/1000m3. Bộ phát triển Kinh tế Nga ước tính, giá xuất khẩu khí đốt sang EU vào cuối năm nay ở mức 829 USD/1.000 m3.

Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến tình hình giá cả vô cùng biến động trên thị trường khí đốt và dầu mỏ năm 2023. Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, Nga đã cắt giảm sản lượng khí đốt từ 18 - 20% trong năm nay, xuống còn 671 tỷ m3, trong đó 470 tỷ m3 dành cho thị trường nội địa. Khối lượng khí đốt xuất khẩu của Nga đến hết năm 2022 sẽ giảm khoảng 1/4 so với năm ngoái.

Phía Nga đã nhiều lần cảnh báo, Nga không chấp nhận việc Phương Tây đưa ra mức giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga, bất kể đó là gì. Giới chuyên gia nhận định, không loại trừ phản ứng của Nga là chấm dứt hoàn toàn hợp tác trực tiếp với EU trong xuất khẩu tất cả các nguồn năng lượng.

Nga không bán khí đốt cho đối tác 'không thân thiện' Nga không bán khí đốt cho đối tác "không thân thiện"

VTV.vn - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã ký một sắc lệnh cấm Gazprom và các công ty con thực hiện giao dịch với các nhà đầu tư "không thân thiện" cho đến ngày 1/10/2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước