Bất cập của bùng nổ thị trường lao động kiểu mới tại Anh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 17/02/2017 09:37 GMT+7

VTV.vn - Theo BBC, ước tính đang có 5 triệu lao động ở Anh tham gia vào thị trường việc làm trong môi trường kinh tế tự do. Công việc chủ yếu là giao hàng, lái xe.

Ở các nước phương Tây, có một cụm từ tiếng Anh để chỉ môi trường kinh tế, mà trong đó công việc ngắn hạn là phổ biến, gọi là Gig Economy, tạm dịch là kinh tế tự do.

Trong môi trường kinh tế tự do này, thay vì ký hợp đồng lao động dài hạn như truyền thống, doanh nghiệp và người lao động sẽ ký các hợp đồng thời hạn ngắn, với nhiều quy định ràng buộc về phúc lợi và thuế được bỏ qua.

Kinh tế tự do không còn mới ở nhiều nước, nhưng đến giờ các quy định về luật giám sát quản lý với các loại hình này vẫn còn nhiều lỗ hổng, dẫn tới nhiều tranh cãi xung quanh quyền của người lao động, hay cả thuế đóng vào ngân sách Nhà nước. Đây cũng là đề tài được truyền thông Anh quan tâm trong thời gian qua.

Cùng với tốc độ phát triển công nghệ, kinh tế tự do đang là một xu hướng đang càng ngày chỉ có mở rộng thêm. Để dễ hình dung, có thể lấy ví dụ, taxi Uber, dịch vụ giao hàng Deliveroo, hay dịch vụ cho thuê nhà Airbnb là những điển hình nổi tiếng nhất trong loại hình kinh tế này. Ở đó, người lao động không hoàn toàn được xem là đi làm thuê, mà hợp đồng được ký theo dạng nhà thầu, hoặc tự doanh.

Chính vì những khái niệm rắc rối, không rõ ràng và dễ nhầm này, nên đến giờ kể cả ở một nền kinh tế phát triển, với luật pháp chặt chẽ như Anh, các vấn đề như quyền của người lao động làm việc trong môi trường kinh tế tự do, hay những nghĩa vụ thuế doanh nghiệp phải trả cho nhà nước, vẫn là các tranh cãi chưa có hồi kết.

Theo BBC, ước tính đang có 5 triệu lao động ở Anh tham gia vào thị trường việc làm trong môi trường kinh tế tự do. Công việc chủ yếu là giao hàng, lái xe, hay sản xuất video. Làm việc trong môi trường này có phải lợi thế không, là tuỳ góc nhìn từng cá nhân. Có ý kiến cho rằng loại hình này tạo ưu thế cho lao động được làm việc với thời gian linh hoạt. Nhưng không ít cho rằng, người lao động đang bị tước đi nhiều quyền lợi cơ bản.

Thời báo tài chính Financial times nhận định, các quy định liên quan đến thị trường lao động đang phải cố mà vẫn chưa thể bắt kịp theo sự thay đổi nhanh của thị trường việc làm. Nghĩa vụ của doanh nghiệp với người lao động, mới chỉ được đòi lại ở trong một vài trường hợp cụ thể được đưa ra tòa xử lý.

Đơn cử gần nhất là việc 2 tài xế Uber thắng kiện và đòi nhà kinh doanh dịch vụ taxi trên giải pháp công nghệ này phải trả cho mình lương tối thiểu và lương làm việc trong ngày nghỉ. Hay trường hợp thắng kiện tương tự của một công nhân công ty Pimlico London. Đáng nói là, không phải lao động nào cũng dám ngại phiền hà, mất thời gian để đi kiện.

Không chỉ người lao động chịu thiệt, trong môi trường kinh tế tự do, ngân sách Anh cũng đang thất thoát không ít. Một nghiên cứu được công bố trên the Guardian cho thấy, sự gia tăng nhanh của thị trường lao động này đang khiến Chính phủ Anh thất thoát 4 tỷ Bảng/năm tiền thuế và các nghĩa vụ đóng góp ngân sách khác của doanh nghiệp. Tính ra, mỗi tuần ngân sách hụt thu 75 triệu Bảng, ước lượng bằng ¼ tổng chi hàng tuần cho dịch vụ chăm sóc xã hội.

The Guardian thống kê trong 10 năm qua, thị trường lao động tự do tại Anh đã mở rộng 25%. Công nghệ phát triển, cùng sự khó khăn của thị trường việc làm truyền thống, khiến số lao động tham gia vào mảng việc làm tự do được dự đoán ngày càng tăng.

Một nhan đề khác trên BBC cho rằng, trong khi các nhà làm luật tại Anh vẫn đang khó khăn để bắt kịp và vá lại các lỗ hổng do sự thay đổi nhanh trên thị trường việc làm tạo ra, một yếu tố quan trọng có thể rút ngắn quá trình, là bản thân các lao động tự do hiểu rõ và lên tiếng nhiều hơn cho những quyền mình có thể được hưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước