Khoảng cuối tháng sau, ga Cao Xá tại tỉnh Hải Dương sẽ được chuyển đổi thành ga liên vận hàng hoá quốc tế, dự kiến sẽ chạy trước ngày 30/4. Đây là ga nội địa thứ 3 được chuyển đổi. Mô hình đưa ga đường sắt liên vận vào sâu trong nội địa đã góp phần tăng sản lượng vận chuyển, giảm chi phí logistics và tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ga Cao Xá (tỉnh Hải Dương) đang được cải tạo, mở rộng để chuẩn bị cho công tác làm hàng liên vận quốc tế. Đến nay, tiến độ đã đạt hơn 80%. Đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trước ngày 15/4 tới.
Bãi hàng cũ chỉ có diện tích khoảng 1.000m2 giờ đây đang được cải tạo và mở rộng với diện tích gấp hơn 5 lần, tức là khoảng 5.400m2 để phục vụ cho các loại hàng hoá liên vận quốc tế.
Ông Lâm Văn Sáu - Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây lắp Công trình - Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết: "Toàn bộ các xe đường bộ có thể đi vào xếp dỡ hàng một cách trực tiếp kể cả các hàng nông sản, hàng rời cho đến các hàng như container bởi vì ở đây bãi là chúng tôi đã xây dựng theo tiêu chí các hàng lớn đều có thể bốc xếp thẳng lên toa và xuống thẳng dưới xe, không qua khâu trung gian".
Tỉnh Hải Dương vốn có thế mạnh về hàng nông sản, linh kiện điện tử từ các khu công nghiệp trong tỉnh cũng như các địa phương lân cận. Do đó, khi ga Cao Xá được nâng cấp để chạy tàu liên vận quốc tế kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hoá gấp nhiều lần so với đường bộ.
Ông Nguyễn Như Vấn - Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải cho biết thêm: "Ga Cao Xá rất gần các khu công nghiệp lớn như khu công nghiệp Đại An, Tân Trường, Cẩm Điền, Phúc Điền... Đây là các khu công nghiệp có khối lượng xuất nhập khẩu rất lớn. Hai là xuất nhập khẩu nông sản. Đây cũng là tiềm năng của tỉnh Hải Dương".
Trước đó, mô hình ga liên vận hàng hóa quốc tế đã được triển khai tại các địa phương không có đường biên giới như ga Kép (Bắc Giang), ga Sóng Thần (Bình Dương). Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hai tháng đầu năm nay, hàng hoá liên vận quốc tế tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Chính Nam - Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhận định: "Các doanh nghiệp đánh giá rất cao về hình thức vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt với hàng nông sản, đặc biệt là hàng xuất sang Trung Quốc theo mùa vụ hiện tại đang đi bằng đường bộ có thời điểm bị ách tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu".
Mục tiêu đến năm 2030 sản lượng hàng vận chuyển liên vận quốc tế sẽ đạt 4 - 5 triệu tấn/năm, gấp 4 - 5 lần so với hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!