Doanh nghiệp lạc quan hơn về tình hình kinh doanh

VTV Digital-Thứ tư, ngày 17/01/2024 10:43 GMT+7

VTV.vn - Năm 2024, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,48%. Đây là kịch bản tích cực nhất mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với tiềm năng trong quý III và quý IV năm 2023.

Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà đã tạo được động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế.

Các động lực ấy đến từ đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiệnthể chế liên kết vùng.

Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), dù kinh tế toàn cầu trong giai đoạn phức tạp nhưng các doanh nghiệp châu Âu tin rằng, kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện khả năng phục hồi và độ linh hoạt cao.

Theo đó, dấu hiệu rõ nhất cho niềm tin này là sự gia tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, với nhiều kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh có trị giá hàng trăm triệu USD. Ngoài ra, 63% doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đáng chú ý, có tới 31% xếp Việt Nam trong top 3; 16% xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất.

Bằng cách thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai.

Doanh nghiệp lạc quan hơn về tình hình kinh doanh

Doanh nghiệp đã lạc quan hơn về tình hình sản xuất kinh doanh, thông tin từ báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện.

Theo báo cáo này, niềm tin của doanh nghiệp đã tăng trở lại so với cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 4/2023, thể hiện ở tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại gấp 2,5 lần. Tỷ lệ đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần. Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô lớn tăng gấp 2 lần.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức có thể kể đến như: đơn hàng, dòng tiền, việc thực hiện các thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật và tiếp cận vốn vay. Những khó khăn này không mới nhưng vẫn tiếp tục diễn ra. Do đó, Ban IV cho rằng, năm 2024 là "thời điểm vàng" của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như của mô hình phát triển để tạo ra các động lực phát triển mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước