Gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào lợi nhất?

PV-Thứ hai, ngày 18/04/2022 12:19 GMT+7

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được điều chỉnh, đa phần theo xu hướng tăng.

Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được điều chỉnh, đa phần theo xu hướng tăng lên đối với nhiều kỳ hạn và áp dụng cho cả phương thức tiền gửi tại quầy lẫn tiền gửi online.

Thực tế này đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng về nguy cơ sẽ phải đối mặt với những đợt tăng lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) công bố chương trình cộng thêm đến 0,8% lãi suất khi gửi online so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. 

Theo đó, với giao dịch gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng tại ngân hàng này, khách hàng sẽ nhận ngay lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.

Trước đó, nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)... đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1 - 0,3%/năm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn so với hồi tháng trước.

Xét về mức lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7 - 7,1%/năm...

Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất này tại một số ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.

Báo cáo từ Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) cho thấy lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với mặt bằng chung năm 2021 với mức trung bình từ 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng; từ 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 13 - 24 tháng.

Cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhập số liệu về tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng trong tháng đầu năm 2022. Theo đó, tiền gửi của người dân đã dồn dập quay lại hệ thống ngân hàng. 

Cụ thể, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi của cư dân đang ở mức 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 103.000 tỷ đồng, tương đương tăng 1,95%. Đây cũng là tháng người dân gửi ròng tiền vào ngân hàng nhiều nhất trong 10 tháng trở lại đây.

Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng mới Lãi suất liên ngân hàng thiết lập mặt bằng mới

VTV.vn - Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, mức lãi suất vay mượn lẫn nhau của các nhà băng đã tăng liên tục từ đầu năm và hiện vẫn ở mức trên 2%/năm.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước