Phát triển nuôi biển bền vững

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 05/04/2024 11:07 GMT+7

VTV.vn - Đề án nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn.

Không chỉ Quảng Ninh, nuôi biển cũng đang phát triển tại nhiều địa phương trên cả nước như Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang.

Tuy nhiên, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Tiềm năng lớn, nhưng muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển bền vững, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến đã được các địa phương, chuyên gia cùng các doanh nghiệp, HTX thảo luận tại Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển vừa qua. Với định hướng nuôi biển quy mô công nghiệp, phục vụ cho ngành chế biến xuất khẩu thuỷ sản, các đại biểu cho rằng, cần có quy hoạch không gian biển thông minh, phù hợp với từng vùng.

TS. Nguyễn Văn Nguyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản thông tin: "Xu thế của ngành nuôi trồng thủy sản cũng như do biến đổi môi trường thì mình phải nên có sự cập nhật vùng nào phù hợp với với nhóm đối tượng nào để mình có một cái quy hoạch cũng như là có các hỗ trợ phù hợp về cơ sở hạ tầng"

Ngành nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nhưng cũng là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu, do sản xuất ra một lượng lớn khí nhà kính. Sử dụng các vật liệu bền vững đang được triển khai tại một số vùng nuôi biển trên cả nước, nhưng chưa đáng kể.

Vật liệu HDPE được hiện là chất liệu tiên tiến được áp dụng trong nuôi thuỷ sản trên biển nhờ sức chống chịu cao, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên lại chưa phổ biến tại Việt Nam. Những quy chuẩn và tiêu chuẩn về lồng bè nuôi là việc cần làm ngay để khắc phục những hạn chế, tăng hiệu quả trong nuôi biển.

Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết: "Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tạo ra sản lượng cao gấp gần 3 lần so với Na Uy, nhưng giá trị của sản phẩm lại chỉ bằng một nửa. Khi Việt Nam áp dụng đổi mới sáng tạo vào chuỗi sản xuất, khai thác nguồn lợi đại dương bền vững, cơ hội thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy và các nước châu Âu sẽ rộng mở hơn".

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD. Mục tiêu đầy thách thức, đòi hỏi ngành công nghiệp nuôi biển Việt Nam cần khai thác đa giá trị, hài hòa với các ngành khác giao thông, du lịch…

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Không chỉ nuôi trồng công nghệ cao nữa mà phải tiến tới chế biến sâu. Không chỉ là nuôi trồng mà còn đa giá trị, đa tầng, tích hợp để phát triển".

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thuỷ sản. Chúng ta cũng có tiềm năng nuôi biển to lớn với hơn 3.200 km đường bờ biển. Phát triển ngành công nghiệp nuôi biển theo hướng giảm khai thác, đa giá trị sẽ góp phần đưa ngành thuỷ sản đến gần hơn mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 14 - 16 tỷ USD vào năm 2030.

Có 1 nghịch lý đang xảy ra ở vùng biển lâu nay. Đó là du lịch đi đến đâu, thủy sản lùi tới đó. Trong khi đó tại Na Uy, với 49 trang trại nuôi biển, nhưng 1 ngày cấp được 45 triệu suất cá hồi, gắn với nó là cả 1 hệ thống du lịch trên tàu rất lớn. Chính vì vậy, nuôi biển của Việt Nam cần được nhìn nhận là ngành kinh tế biển tương trợ với các ngành như Du lịch, hàng hải. Làm giàu từ nuôi biển sẽ là thực tế, nếu gắn kết hài hòa nuôi biển với du lịch sinh thái, phát triển nuôi biển và phát triển công nghiệp chế biến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước