Sản xuất trên toàn cầu "mất đà" do đứt gẫy chuỗi cung ứng

Anh Quang-Thứ bảy, ngày 04/09/2021 17:33 GMT+7

VTV.vn - Hoạt động sản xuất toàn cầu đã mất đà tăng trong tháng 8 do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19, làm dấy lên lo ngại sẽ gây ra thêm những khó khăn kinh tế mới.

Thống kế mới nhất cho thấy, chỉ số PMI sản xuất của khu vực Eurozone đã giảm còn 61,4 điểm trong tháng 8. Nhiều công ty đã thông báo các vấn đề logistics, thiếu sản phẩm và thiếu lao động.

Tại Anh, sản lượng công nghiệp tháng 8 cũng tăng với tốc độ thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. Còn tại Canada, nền kinh tế nước này trong quý II đã thu hẹp nhiều hơn dự kiến do sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất, xây dựng và bán lẻ.

Bloomberg nhận định, những khó khăn tại châu Á - nơi xuất phát của 42% lượng hàng xuất khẩu của toàn thế giới có nguy cơ tiếp tục làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu trong quý 3 nếu tình hình dịch bệnh không sớm được giải quyết. Dịch COVID-19 kéo dài ở Đông Nam Á đang tác động mạnh đến nguồn cung chip và các linh kiện điện tử.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu, chỉ số PMI sản xuất tháng 8 của Trung Quốc - đầu tàu tăng trưởng của châu Á chỉ đạt 50,1 điểm. Chỉ số PMI dịch vụ thậm chí còn giảm sâu nhất kể từ đỉnh dịch COVID-19 hồi tháng 2/2020 và rơi xuống dưới mức 50 - cho thấy sự thu hẹp hoạt động của ngành dịch vụ Trung Quốc.

Bà Shi Zhaohui, Giám đốc Phòng Khảo sát Xu hướng kinh doanh, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết: "Trong quá trình khảo sát của chúng tôi, một số doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh bùng phát và lũ lụt trong thời gian gần đây đã cản trở việc cung cấp nguyên liệu và giao hàng trong tháng 8, làm chậm trễ việc sản xuất của doanh nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đến lượng đơn đặt hàng mới ở một mức độ nhất định".

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản và Hàn Quốc. Sản lượng công nghiệp của cả 2 nước trong tháng 7 đều sụt giảm, trong bối cảnh đợt dịch bệnh mới ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Sau hàng thập niên thúc đẩy toàn cầu hóa, các nhà máy sản xuất đã được xây dựng ở nhiều khu vực trên thế giới, tạo thành một mạng lưới rộng khắp nhưng vẫn có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Điều này cũng có nghĩa là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chỉ có thể giải quyết khi phần lớn các quốc gia đã cùng nhau vượt qua được dịch bệnh và ổn định hoạt động kinh tế, xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước