Tăng cường các giải pháp quản lý thị trường vàng

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 12/04/2024 16:00 GMT+7

VTV.vn - Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo số 160 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo một số Bộ, cơ quan liên qua; các Hiệp hội Kinh doanh vàng; một số ngân hàng thương mại có kinh doanh vàng. Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo một số nội dung quan trọng.

Tăng cường các giải pháp quản lý thị trường vàng

- Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 24 (ngày 3/4/2012 của Chính phủ). Trong đó, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, đảm bảo thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả. Đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

- Khẩn trương thực hiện nga các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường. Đảm bảo hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá.

- Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng. Nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả giám sát, điều hành. Thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

- Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung; đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng và phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế.

Ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế; không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước, đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện nghiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát

Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng đã được giao tại nhiều Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo thực hiện hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tăng cường các giải pháp quản lý thị trường vàng - Ảnh 1.

Phải can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá quốc tế chênh lệch

Xử lý chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế

Phải can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá quốc tế chênh lệch cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế trong thời gian qua, Nghị định 24 đã có quy định để quản lý thị trường vàng và đã phát huy được vai trò chống vàng hóa nền kinh tế. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng nguồn cung vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng. Các chuyên gia kiến nghị một số giải pháp ngắn hạn như cho phép nhập khẩu vàng, hoặc sản xuất tăng thêm lượng vàng SJC để làm tăng thêm nguồn cung. Đây là giải pháp có thể được tính đến.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Về giải pháp ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép nhập khẩu vàng, hoặc là Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC. Việc này sẽ làm tăng nguồn cung vàng SJC và giá có thể giảm xuống. Thứ hai, thay vì mất lượng ngoại hối như vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc chúng ta nhập khẩu vàngvà đáp ứng được nguồn cung".

Ông Lâm Minh Chánh - Chuyên gia tài chính - Chủ tịch học viện BizUni nhận định: "Việc người ta đổ tiền vào vàng thì mình không dừng được vì đó là một loại tài sản. Giữ Nghị định 24 thì chúng ta vẫn phải giữ. Nhưng mà chúng ta cần phải vận dụng nó, chẳng hạn như việc nhập vàng, dập thêm vàng miếng SJC thì Ngân hàng Nhà nước phải chủ động, linh hoạt hơn, để tăng cung lên. Nếu không giá vàng Việt Nam quá chênh với giá vàng thế giới".

Thực hiện nghiêm túc hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua bán, vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Đây là cũng định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Trong thông báo 160. Đó là cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành. Xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc cho biết, việc xuất hóa đơn điện tử đã được doanh nghiệp thực hiện từ lâu. Việc này giúp ích nhiều cho hoạt động kinh doanh của họ.

Ông Mai Huy Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn vàng bạc Phú Quý cho biết: "Tất cả các giao dịch được xuất hoá đơn điện tử sẽ giúp đỡ được việc những loại hàng trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp và người mua gặp phải các trường hợp xấu xảy ra".

Ông Nguyễn Đức Anh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Bảo Tín Mạnh Hải nêu ý kiến: "Chuyển đổi số trong giao dịch vàng không phải là việc quá mới, trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng. Chúng ta có thể học hỏi thêm bên phía Trung Quốc và có họ những quy tắc nhất trong giai đoạn đầu tiên, phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được tham gia trên sàn giao dịch vàng online. Và sàn vàng online hoạt động ở trạng thái online hoá sàn vàng vật lý, chứ không phải vàng ảo".

Việc thực hiện nghiêm xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh vàng cũng sẽ giúp hạn chế được các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới, các hành vi trục lợi đầu cơ tháo túng giá vàng để đảm bảo thị trường ổn định, minh bạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước