Cùng với sự tăng tốc của xuất khẩu cá tra thì tôm hùm cũng là một mặt hàng có sự đột phá khi giá trị và khối lượng xuất khẩu tăng tới 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đạt gần 30 triệu đô la mỹ. Những khó khăn về đầu ra đang dần được giải quyết. Bà con nuôi tôm hùm năm nay được mùa và cũng được giá vì thế theo dự báo, giá trị xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Có hai loại tôm hùm được nuôi tại vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ. Đó là tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Từ giữa năm ngoái, tôm hùm bông bế tắc đầu ra, sau khi Trung Quốc đưa tôm hùm bông vào danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ. Riêng đối với tôm hùm xanh, hai tháng đầu năm cũng là dịp Tết Nguyên đán nên lượng tôm hùm xanh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 80 lần so với cùng kỳ với kim ngạch gần 28 triệu đô la Mỹ. Giá tôm hùm xanh, từ 800 ngàn đồng/kg trong năm ngoái giờ vượt mức 1 triệu đồng/kg.
"Nhu cầu tôm hùm xanh cao, mua nhiều nên giá cao hơn 1 triệu đồng/kg", anh Nguyễn Văn Trường - Người nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên cho biết.
"Chính phủ chung tay với nông dân, tháo gỡ con tôm hùm đi chính ngạch nhưng thực tế mới chỉ xuất loại tôm hùm xanh", ông Lê Xuân Hân - Người nuôi tôm hùm tỉnh Khánh Hòa thông tin.
Những vướng mắc trong nhập khẩu tôm hùm bông đã được Trung Quốc đã tiếp nhận, xử lý. Dự kiến, việc xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ được xem xét theo cơ chế đặc biệt. Trong khi chờ đợi khơi thông thị trường xuất khẩu tôm hùm bông, các tỉnh Nam Trung bộ đã bắt đầu chuyển hướng vùng nuôi để thích ứng thị trường.
Ông Phạm Ngọc Luyện - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa cho biết: "Giảm dần lượng tôm hùm bông để đảm bảo việc tránh thiệt hại cho sản xuất khi không tiêu thụ".
PGS. TS Võ Văn Nha - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nhấn mạnh: "Thị trường cần tôm hùm xanh, tại sao không nuôi tôm hùm xanh để bán. Cái thứ hai, tôi cho rằng, sản xuất phải hướng đến tính bền vững và chính ngạch".
Kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm hùm đã có, vấn đề còn lại là người nuôi kịp thời thay đổi theo hướng để tôm hùm làm ra đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là điều mấu chốt để giữ đà phục hồi xuất khẩu tôm hùm./.
Tôm hùm hay các loại cá biển giá trị cao sẽ là đối tượng để cụ thể hóa chủ trương tăng nuôi, giảm đánh bắt của ngành thuỷ sản trong 5-10 năm tới. Trên cơ sở này, nuôi biển và bảo tồn sẽ là 2 lĩnh vực được đẩy mạnh, hướng đến việc Việt Nam sẽ có sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu dán nhãn xanh, giảm phát thải. Trong 3 ngày từ ngày hôm nay 29/3 đển 1/4, trên cơ sở kinh nghiệm của Quảng Ninh, Cục Thủy sản sẽ có nhiều hoạt động cùng các địa phương tìm giải pháp phát triển nuôi biển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!