Ô nhiễm tại các nhà máy ngày càng vượt ngưỡng cho phép. (Ảnh minh họa: Bích Liên)

Ô nhiễm luôn vượt ngưỡng

Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016 vừa được công bố, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam.

Tại các khu đô thị, vấn đề nổi cộm đối với môi trường không khí xung quanh các khu công nghiệp (KCN) vẫn là ô nhiễm bụi. Nồng độ bụi tại nhiều KCN đã vượt quy chuẩn. Số liệu so sánh cho thấy, nồng độ bụi xung quanh các KCN miền Bắc cao hơn hẳn so với KCN miền Nam, trong khi nồng độ bụi xung quanh các KCN miền Trung và miền Nam có sự chênh lệch không nhiều.

Nguyên nhân có thể là do đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu, vị trí của các khu vực khác nhau. Tại miền Bắc, gần các KCN tập trung cũng có nhiều các nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng với quy mô lớn tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch nên đã dẫn tới phát thải lượng bụi lớn. Thêm vào đó, so với các khu vực khác, miền Bắc vẫn tồn tại một số KCN cũ, công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất ô nhiễm hơn.

Nhiều KCN miền Bắc còn nằm gần các khu đô thị, trục giao thông lớn nên nồng độ bụi xung quanh các KCN này cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông vận tải.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), các đô thị lớn như Hà Nội hay đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính. Điển hình như tại đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội), có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại.

Ở khu vực đô thị, nguồn gốc phát sinh các loại khí NO2 , SO2 và CO chủ yếu từ hoạt động giao thông, SO2 phát thải từ đốt than và dầu chứa lưu huỳnh (xe buýt, các nhà máy có hoạt động đốt nhiên liệu khác). Nồng độ khí NO2 trong không khí tại một số đô thị lớn cũng đã ghi nhận vượt ngưỡng giới hạn cho phép, như tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Hạ Long. Nguyên nhân của tình trạng trên này là do Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông, công nghiệp ở khu vực; Tp. Hạ Long chất lượng không khí bị ảnh hưởng lớn bởi hoạt động khai thác than và nhiệt điện xung quanh.

Không chỉ đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, người dân tại các đô thị còn hứng chịu tiếng ồn. Nguồn gốc gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu là do hoạt động giao thông nên mức ồn lớn thường ghi nhận trên các trục giao thông chính. Ngưỡng ồn đo được ở các tuyến phố chính tại các đô thị lớn ở Việt Nam hầu hết đều xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng cho phép, quy định đối với khung giờ từ 6 đến 21 giờ.

Đối với các đô thị vừa và nhỏ, mức ồn đo tại các tuyến đường giao thông tại hầu hết đô thị cũng có diễn biến tương tự khi mà các kết quả ghi nhận đều không đảm bảo giới hạn cho phép. Đối với khu dân cư, đã ghi nhận mức ồn vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép tại một số khu vực có mật độ dân cư lớn, gần đường giao thông. Tại các khu vực dân cư khác, xa đường giao thông nhìn chung mức ồn vẫn nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.

Nỗ lực tìm giải pháp

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng  cho biết, ô nhiễm môi trường từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng rất nặng nề tới sức khỏe con người và sự "phát triển sạch" của đất nước. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế thì Việt Nam là 1 trong 10 nước ô nhiễm không khí nặng nề nhất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi môi trường không khí bị ô nhiễm, sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mức độ ảnh hưởng đối với từng người tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Bởi nếu không có giải pháp kịp thời thì cuộc sống của người dân tại các đô thị sẽ ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có thể thấy, ngoài vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí còn là mối đe dọa nghiêm trọng tới sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, tăng những nguy cơ về biến đổi khí hậu.

Trước nguy cơ ô nhiễm không khí do tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam không ngừng thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu nồng độ khí thải. Tại hội thảo “Công bố kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025,”  tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ô nhiễm môi trường không khí trở thành vấn đề “nóng,” ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững của Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương...

Theo Tổng cục Môi trường, để tăng cường quản lý chất lượng không khí, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch trên đặt mục tiệu phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học…

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng có kế hoạch cũng xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM 2.5 (chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước và mật độ những hạt trôi nổi trong không khí) tại các đô thị đặc biệt và đô thị trực thuộc Trung ương; tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết quốc gia về phát thải nhà kính của Việt Nam. Cùng với đó các cấp chính quyền  địa phương, các doanh nghiệp và người dân cùng chung tay có những việc làm thiết thực; góp phần làm cho môi trường sống của chúng ta trong lành, xanh, sạch./.

Bích Liên