GS.TS Đỗ Hữu Châu

Là một trong 16 công trình, cụm công trình tiêu biểu vừa được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đề nghị xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào giữa tháng 10 tới đây, cụm công trình “Ngữ dụng học” có tính chất tiên phong, đặt nền móng cho việc nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp gắn với chức năng vốn có của ngôn ngữ là chức năng giao tiếp.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, ở Việt Nam, những vấn đề về ngôn ngữ nghệ thuật trong mối quan hệ với ngôn ngữ tự nhiên, về sự phân biệt ngôn ngữ như là một “phương tiện” và ngôn ngữ như là một “chất liệu” của văn học, và đặc biệt là về khái niệm “tín hiệu thẩm mỹ”, những đặc trưng của tín hiệu thẩm mỹ, lần đầu tiên xuất hiện, được đề cập một cách tường minh và có hệ thống đã trở thành cơ sở lí luận vững chắc cho những nghiên cứu tiếp theo về ngôn ngữ văn học. Cụm công trình “Ngữ dụng học” đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, tạo ra trường phái nghiên cứu Ngữ dụng học ở Việt Nam, làm thay đổi cách nhìn ngôn ngữ khi xây dựng hệ lí thuyết nền tảng về các nhân tố tham gia vào hoạt động giao tiếp, giải thích ý nghĩa, chức năng của ngôn ngữ trong quan hệ với người sử dụng, với tư cách là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất.

Đồng thời, cụm công trình có sức lan tỏa lớn trong nghiên cứu và đào tạo khoa học ngôn ngữ, khoa học ngữ văn. Kết quả nghiên cứu của cụm công trình mở ra hướng mới cho việc tìm kiếm đề tài nghiên cứu ở cấp bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ không chỉ với cơ sở đào tạo - Đại học Sư phạm Hà Nội mà còn trong phạm vi các trường đại học khác trên cả nước. Điều này đặc biệt có giá trị ở chỗ, trước đó, các đề tài nghiên cứu ở cấp độ Thạc sĩ, Tiến sĩ chỉ bó hẹp nếu không nói là bế tắc với các vấn đề thuộc về ngôn ngữ cấu trúc. Nội dung và kết quả nghiên cứu của cụm công trình còn ảnh hưởng lớn đến việc xác định mục tiêu biên soạn, nội dung biên soạn sách Ngữ văn phổ thông.

Theo PGS.TS Đặng Thị Hảo Tâm, Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cụm công trình “Ngữ dụng học” gồm 04 công trình đã công bố:  Đại cương ngôn ngữ học tập hai – Ngữ dụng học (NXB Giáo dục, 2001); Giáo trình Ngữ dụng học (Dành cho Hệ đào tạo Tại chức và Từ xa - NXB Đại học Sư phạm, 2003); Cơ sở ngữ dụng học (NXB Đại học Sư phạm, 2003) và Giáo trình Ngữ dụng học (NXB Đại học Sư phạm, 2007).

Trước những năm 1990, nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam bó hẹp trong hệ thống ở trong cấu trúc chủ ngữ - vị ngữ, nhưng khi công trình nghiên cứu của cố GS TS Đỗ Hữu Châu xuất hiện thì nghiên cứu ngôn ngữ chuyển sang hướng mới.

 

Cụm công trình Ngữ dụng học. (Ảnh: BL)

Ngôn ngữ được nghiên cứu không phải trong hệ thống nữa mà trong mối quan hệ với con người, trong mối quan hệ của tâm lý học, trong mối quan hệ của xã hội học và văn học. Đây được coi là đóng góp lớn nhất của cố GS.TS Đỗ Hữu Châu ở cụm công trình “Ngữ dụng học”. Cụm công trình đã đặt vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ trong mối quan hệ với người sử dụng, mở ra một hướng nghiên cứu liên ngành giữa văn học với ngôn ngữ.

Nhận xét về cụm công trình “Ngữ dụng hoc”, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa nhận định, công trình của cố GS.TS Đặng Hữu Châu có thể coi là sự nghiệp của cả một đời người. Công trình đã có đóng góp to lớn vào lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ tại Việt Nam.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam nhận định: Trong thời gian khoảng ba thập kỷ trở lại đây có rất nhiều công trình được công bố và nhiều đề án cấp quốc gia đã được thực hiện. Điều đó được thể hiện trên nhiều phương diện, từ cơ cấu chuyên môn của các ngành khoa học xã hội, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo cho đến đội ngũ các nhà khoa học và các sản phẩm nghiên cứu. Có thể kể đến các công trình như “Ngữ dụng học”; “ Lịch sử tư tưởng Việt Nam”...

Bích Liên