"Dùng “trí tuệ giang hồ” để lấy giải thưởng lớn"

Hương Huyền (Thực hiện)-Thứ tư, ngày 07/08/2013 11:00 GMT+7

“Uống thuốc liều” để lần đầu tiên tham gia gameshow Vì bạn xứng đáng, đạo diễn Phan Huyền Thư đã mang về món quà ý nghĩa cho một nhân vật từng xuất hiện trong các bộ phim của chị.

Vì sao chị quyết định tham gia chương trình “Vì bạn xứng đáng”?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ (kể cả là thoáng qua trong đầu) về việc một ngày nào đó mình sẽ tham gia một gameshow trên truyền hình! Lí do rất đơn giản là hầu hết các công việc tôi làm, chưa bao giờ hướng đến nhu cầu giải trí mà hướng đến nhu cầu thưởng thức hoặc trải nghiệm, tư duy…

Khi biết đến Vì bạn xứng đáng, tôi cũng đã có nhiều đắn đo, vì nếu không xuất hiện trên truyền thông một cách xứng đáng và chân tình, mình rất dễ bị ngộ nhận về bản thân và việc mình đang làm. Nhưng tôi thấy chương trình mang tính nhân văn cao như vậy thì quá xứng đáng để mình không phải toan tính gì thiệt hơn cho hình ảnh cá nhân mình nữa.

‘ Số lượng những nhân vật đặc biệt mà chị từng gặp, từng muốn giúp đỡ hẳn rất nhiều, cuối cùng vì sao chị lại chọn chú Ba Oanh?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Mỗi bộ phim tôi làm đều có những người bạn, người cô, dì, chú bác và các anh chị em nhân vật trở thành người thân của riêng tôi. Chú Ba Oanh và các anh em trong đội mai táng Phước Thiện là người tôi nghĩ đến đầu tiên. Đơn giản là vì cuộc chơi của tôi được thực hiện ở TP HCM, trường quay tôi ghi hình chỉ cách nhà chú vài cây số vuông bán kính… Tôi muốn chú sẽ cảm nhận được tấm lòng của tôi khi vượt cả ngàn cây số vào thành phố một mình mong sẽ đóng góp được chút gì cho chú và các anh em đang làm công việc ý nghĩa như xây “phù đồ’ trong thầm lặng… Thực ra, việc tôi góp cũng chưa đáng gì…Vì chú Ba Oanh thì tôi có thể làm nhiều việc hơn thế, chứ không riêng gì chuyện “đấu trí” trên truyền hình!

‘ Ông Ba Oanh

Có lẽ không ít người nghĩ, Phan Huyền Thư mà thi thì cầm chắc giải cao rồi. Thực sự thì những câu hỏi của chương trình có làm khó được chị hay không?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Thực tình là tôi chưa bao giờ đối diện với một gameshow nào, luật chơi còn phải được phổ biến ngay ở trường quay trước khi chính thức bấm máy. Tôi cũng không ngờ các câu hỏi “hóc búa” đến vậy. Phải khá loay hoay, vất vả để nắm bắt được cơ hội chứ không hề ngon ăn như mọi người tưởng đâu!

Chị có tự trào là giành chiến thắng với kiến thức kiểu “giang hồ”, cụ thể, phải “giang hồ” cỡ nào mới nhận được giải thưởng lớn như thế?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Sự may rủi trong cuộc chơi này rất lớn. Đấy là phần quay số để biết mệnh giá tiền phải trả cho thông tin đáp án. Tôi đã rất ‘xót ruột” với hai lần trả giá đắt đến 7,5 triệu và 9 triệu cho thông tin đáp án của mình… Bây giờ vẫn thấy tiếc! Còn câu nói tự trào của tôi là không chơi được với kiến thức đơn thuần mà phải dùng ‘trí tuệ giang hồ” mới ăn thua cuộc này… là tôi nói thật đấy! Tôi sử dụng kiến thức một phần thôi, chủ yếu là kỹ năng phân tích ngôn từ! Rất may cho tôi là dân học ngôn ngữ, tôi đã tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường ĐH Tổng hợp nên tôi giải mã các thông điệp bằng nghĩa của từ ngữ để suy đoán chứ không dám hoàn toàn dựa vào thông tin mang tính năng "tu từ học” đơn thuần… Nếu thế thì chắc tôi thua từ vòng đầu tiên rồi!

‘ Với phần thưởng từ chương trình, chị đã có kế hoạch gì cụ thể hơn đối với nhân vật của mình chưa?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi đã nhờ chương trình chuyển tận tay chú Ba Oanh và các anh em đội mai táng Phước Thiện toàn bộ số tiền thưởng mà tôi đã giành được từ chương trình. Tôi rất mong sẽ được chú đón nhận vui vẻ để gây một quỹ nho nhỏ cho công việc từ thiện của chú. Tôi nghĩ, số tiền đó chắc cũng chỉ đỡ đần chú đồng thuốc men, chai mắm, chai dầu, bao gạo hay gói bột ngọt trong bữa ăn của gia đình chú và các anh em trong đội mai táng. Họ còn nghèo lắm các bạn ạ, họ vẫn phải mưu sinh bằng nghề lượm phế liệu, phu khuân vác, thợ hồ, xe ba gác… tôi chỉ mong họ cảm thấy tôi vẫn luôn sát cánh bên họ… Vậy là tôi hạnh phúc lắm rồi!

Một phần thưởng lớn trao tặng cho những người xứng đáng đó là việc làm vô cùng ý nghĩa, nhưng với những số phận mà chị từng gặp, từng biết và trăn trở thì có lẽ cần hơn rất, rất nhiều phần thưởng cả vật chất và tinh thần nữa?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi đã từng đặt câu hỏi với Ban tổ chức ngay sau khi cuộc chơi vừa kết thúc rằng: “Liệu tôi còn có cơ hội để đăng ký thêm cuộc chơi nữa không?” vì tôi còn nhiều người khiến mình sẵn sàng với thử thách để giúp đỡ cho họ như em Nguyễn Thị Hồng ở Vĩnh Phúc, liệt toàn thân mà vẫn làm hàng trăm bài thơ suốt hơn 30 năm qua, thầy Nguyễn Ngọc Ký ở Tp HCM, một hình mẫu của biết bao thể hệ con người Việt Nam đang phải lo từng bữa cơm chen với từng bữa thuốc vì thầy đã phải chạy thận suốt 3 năm qua và bán dần nhà cửa, đất đai để lo chạy thận… Em Nguyễn Minh Trí, sinh ra đã không có hai tay mà vẫn là học sinh giỏi ở tận Thanh Mỹ Tây, An Giang xa xôi với ngôi nhà nhỏ mênh mông giữa đồng nước không đường di, không ánh điện hàng ngày vẫn dùng hai chân tự chèo thuyền đi học và đêm đêm dùng ánh đèn soi ếch để cặm cụi viết bài bằng chân, rồi bác Lê Văn Long và các thành viên thiện nguyện đang nuôi nấng một cách tự phát hơn 30 em nhỏ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi ở phường Phương Sài thành phố Nha Trang…

Biết bao nhiêu người bạn mà tôi quen biết trong quá trình làm phim đã có HIV, các em bé cũng đã phơi nhiễm HIV qua cha mẹ, các bệnh nhân xóm chạy thận ở Xóm Cột Cờ Hà Nội, những bạn đồng giới ở câu lạc bộ đồng đẳng Đồng Xanh Cần Thơ đang ra sức tuyên truyền cho sinh hoạt tình dục lành mạnh và phòng chống HIV…. Thực ra là tôi sẽ không bao giờ kể hết được những câu chuyện về họ, những người đã là thân thiết của tôi…Chỉ mong học sẽ được sự giúp đỡ thêm nữa của nhiều người…

Chị đang ấp ủ những kế hoạch gì trong thời gian này?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi đang trăn trở một đề tài về những ngư dân Việt Nam. Tại sao họ lại không thể chèo con thuyền của mình ra đánh bắt những con cá ngay trên biển của mình để mưu sinh nhỉ? Nếu được tham gia Vì bạn xứng đáng thêm lần nữa, tôi cũng sẽ xin đăng ký để gây quỹ cho một ngư đoàn gồm 18 ngư dân tại Đảo Lý Sơn. Đã hai năm nay sống rất tạm bợ vì thuyền của họ đã hai lần bị Trung Quốc đâm nát, bị Hải giám Malaysia bắt giam và bây giờ thì họ thui thủi trên bờ, không có cơ hội ra biển… họ sắp đi vào bước đường cùng rồi!!! Tôi ao ước được làm phim về học và tìm được cơ hội giúp đỡ họ.

Xin cảm ơn chị!

Ông Ba Oanh (tên thật là Bùi Văn Oanh) cùng đội mai táng Phước Thiện tại TPHCM từ mấy chục năm qua đã tự nguyện chôn cất hơn 800 trường hợp xấu số vô thừa nhận, bị bỏ rơi, bị bệnh hiểm nghèo... Bản thân ông Ba Oanh và các thành viên của đội mai táng đều là những người lao động thu nhập thấp làm thợ hồ, bán vé số, chạy xe ôm... đời sống rất khó khăn nhưng họ vẫn theo đuổi công việc thiện nguyện của mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước