Nhân viên ngân hàng giúp cụ bà bán rau tránh khỏi bị lừa 3,2 tỷ đồng

Ý-Hoàn-Thứ tư, ngày 08/05/2024 15:33 GMT+7

VTV.vn -Chỉ chưa đầy 1 tháng, tại tỉnh Bình Thuận đã xảy ra 2 vụ lừa đảo qua mạng, nhưng được các ngân hàng kịp thời phát hiện báo cho cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.

Vào lúc 14h30 ngày 3/5/2024, bà L.T.N (sinh năm:1958, trú tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) đến trụ sở Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc làm thủ tục rút số tiền gửi tiết kiệm trong tài khoản là 3,2 tỷ đồng để chuyển qua một tài khoản ngân hàng khác. Tuy nhiên, do có dấu hiệu đáng ngờ cùng với số tiền lớn nên nhân viên Ngân hàng Agribank điện báo và đề nghị Công an thị trấn Ma Lâm hỗ trợ xác minh.

Qua quá trình làm việc, bà N. (làm nghề buôn bán rau củ ở chợ) cho biết bị một đối tượng tự xưng là cán bộ đang công tác tại Bộ Công an gọi điện thoại liên hệ với nội dung là bà N. có liên quan đến một vụ án ma tuý, nên yêu cầu bà phải chuyển số tiền là 3,2 tỷ đồng để "phục vụ điều tra". Tin lời đối tượng, bà N. đã đến Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc làm các thủ tục giải ngân để chuyển 3,2 tỷ đồng cho đối tượng. Nhận định đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, Công an thị trấn Ma Lâm phối hợp cùng Ngân hàng Agibank tạm dừng việc làm thủ tục giao dịch và giải ngân cho bà N. Tuy nhiên, bà N. vẫn tin lời đối tượng, một mực yêu cầu ngân hàng phải thực hiện các thủ tục giải ngân cho bà.

Qua quá trình kiên trì vận động, Công an thị trấn Ma Lâm đã thuyết phục để bà N. nhận ra đây là chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu, kịp thời dừng các liên lạc và giao dịch ngân hàng với các đối tượng xấu nêu trên, không để xảy ra mất tài sản.

Nhân viên ngân hàng giúp cụ bà bán rau tránh khỏi bị lừa 3,2 tỷ đồng - Ảnh 1.

Lãnh đạo Ngân hàng Agribank Bình Thuận trao thưởng đột xuất cho Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc và Công an thị trấn Ma Lâm

Điều đáng nói cùng với thủ đoạn lừa đảo như trên, vào ngày 09/4/2024, Công an xã Hàm Mỹ phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng đã ngăn chặn thành công một vụ việc tương tự.

Bà L.T.H.Đ. (trú xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đến ngân hàng yêu cầu rút 1,8 tỷ đồng từ tiền gửi tiết kiệm trước hạn, để chuyển tiền cho một tài khoản ở ngân hàng khác. Thấy bà Đ. có biểu hiện rất lo lắng, điện thoại luôn có người gọi tới thúc giục chuyển tiền, nhân viên ngân hàng suy đoán có thể khách hàng đang bị lừa, đã nhanh trí trì hoãn thực hiện giao dịch và báo cáo lãnh đạo chi nhánh. Song song với việc giải thích cho khách hàng hiểu để tránh bị lừa đảo chuyển tiền, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng đã điện báo cho Công an xã Hàm Mỹ để phối hợp giải quyết.

Sau một hồi trấn tĩnh, bà Đ. tường trình lại việc mình bị nhóm người xưng danh là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện yêu cầu phải rút và chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm vào tài khoản tạm giữ của Công an, do có dính líu đến một vụ án đang điều tra. Bà Đ. còn cho biết, các đối tượng yêu cầu trong thời gian "điều tra" không được thông báo với bất kỳ một người nào cho đến khi vụ án kết thúc, nếu bà không chuyển tiền sẽ bị niêm phong tài sản nhà, đất và bị đi tù. Sau khi điều tra, nếu xác định bà Đ. không liên quan sẽ được cơ quan chức năng chuyển trả lại tiền. Biết mình bị lừa, bà Đ. ngưng thủ tục rút tiền tiết kiệm, đồng thời gửi lời cám ơn đến các cơ quan chức năng.

Chỉ chưa đầy 1 tháng, hệ thống Ngân hàng Agribank Bình Thuận đã phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận kịp thời ngăn chặn 02 vụ lừa đảo qua mạng. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước còn có không ít người rơi vào "bẫy" lừa đảo, mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng là giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện đến những người mà chúng chọn làm "con mồi", đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như: Buôn ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm pháp luật... đồng thời yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản hoặc cung cấp mã OTP cho chúng, sau đó rút hết tiền của nạn nhân.

Để người dân dễ dàng "sập bẫy", các đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của họ, yêu cầu "phải giữ bí mật, không được nói với ai khác". Khi lo sợ, người dân chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt.

Nhân viên ngân hàng giúp cụ bà bán rau tránh khỏi bị lừa 3,2 tỷ đồng - Ảnh 2.

Lãnh đạo Ngân hàng Agribank Bình Thuận trao thưởng đột xuất cho Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc.

Dù đã có không ít vụ việc lừa đảo kiểu này được lực lượng Công an, ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng số lượng nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên do những thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp.

Vì vậy, để tránh "sập bẫy" loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Mọi người phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại.

Người dân không nên công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội; không cung cấp số tài khoản, mã OTP, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, không ấn vào những đường link giả mạo.

Trường hợp nhận được cuộc gọi tự xưng là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án mời làm việc thì phải yêu cầu gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ đến Công an địa phương nơi mình cư trú. Khi có nghi vấn, phải thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để xử lý.

Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, để tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

lừa đảo

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước