Giảm nghèo từ mô hình trồng cao su vùng miền núi

Xuân Tựu-Thứ sáu, ngày 22/02/2013 07:41 GMT+7

Giảm nghèo từ mô hình trồng cao su vùng miền núi (Ảnh minh họa)

Việc xây dựng và nhân rộng mô hình trồng cao su được triển khai tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên, đang từng bước giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với lợi thế đất đai, độ ẩm thích hợp cho nhiều loại cây trồng, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên đang từng bước triển khai các dự án giảm nghèo cho người dân bằng hình thức chuyển đổi giống cây trồng mới, trong đó có dự án trồng cao su. Dự án trồng cây cao su tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên đang mở ra hướng đi mới cho người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân cải thiện đời sống, thoát nghèo và góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở các địa phương.

Gia đình anh Lơ Mô Y Rắc, buôn Dành A, xã Eabia, huyện Sông Hinh, có diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày, nhưng do thiếu vốn thiếu kỹ thuật nên thu nhập của nhà anh rất thấp.

Vừa qua, được phòng Lao động thương binh Xã hội huyện Sông Hinh, hướng dẫn, hỗ trợ cây giống, phân bón để trồng cây cao su, gia đình anh đã tham gia trồng 1 héc ta cao su trên mảnh đất nhà mình. Cũng như nhiều hộ nghèo khác trong buôn, anh hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn khi cây cao su hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận cho gia đình.

Nhận thấy diện tích đất trồng của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên rất phù hợp với việc trồng cây cao su, lọai cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài, phòng Lao động thương binh Xã hội huyện cũng đã triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo từ việc trồng cây cao su đến với bà con 2 xã Eabá và Eabia. 60 hộ dân được tham gia dự án, mỗi hộ trồng 1héc ta với khoảng 600 cây cao su. Tổng kinh phí cho dự án này là hơn 300 triệu đồng. Mặc dù mới được triển khai nhưng dự án này bước đầu đang được người dân đánh giá cao và kỳ vọng rất nhiều.

Việc xây dựng và nhân rộng mô hình trồng cao su giảm nghèo được triển khai tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên đang từng bước giúp bà con nơi đây thoát nghèo bền vững, tạo nên phong trào trồng cao su lan tỏa khắp các địa phương, dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao. Đó cũng là một trong những giải pháp để từng bước xây dựng nông thôn mới tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước