Hành trình gieo chữ của 5 thầy cô giáo tới bản không điện Cà Moong

Thảo Vi-Thứ năm, ngày 28/03/2019 21:53 GMT+7

VTV.vn -Trường Tiểu học Lượng Minh, bản Cà Moong, tỉnh Nghệ An nằm hoàn toàn biệt lập khi không có điện và nước sạch, việc đến trường của học sinh cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.

Nằm giữa lòng hồ thủy điện bản Vẽ, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, Cà Moong là bản duy nhất đến nay vẫn 5 không: không đường, không điện, không trạm y tế, không nước sạch và không có sóng điện thoại. Bà con bản Cà Moong gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Ý thức được những khó khăn đó, thế nhưng 5 thầy cô giáo của trường Tiểu học Lượng Minh vẫn kiên trì cắm bản để gieo con chữ, gieo những ước mơ tới các em bé bản Cà Moong.

Để có thể vào đến điểm trường Tiểu học Lượng Minh, phải mất 2 tiếng đi xe máy và nửa ngày đi xuồng qua hồ thủy điện.

Tại điểm trường Tiểu học Lượng Minh có 84 em học sinh, toàn bộ là người dân tộc Khơ Mú. Để có thể vào đến điểm trường Tiểu học Lượng Minh, các thầy cô giáo phải đi 2 tiếng xe máy đường núi hiểm trở, đi xuồng qua hồ thủy điện mất nửa ngày. Vất vả là vậy, nhưng mỗi khi thấy nụ cười rạng rỡ trên môi các em nhỏ tới lớp, cả 5 thầy cô giáo nơi rẻo cao này đều cảm thấy như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực.

Chẳng quản gian khó, vất vả, các thầy cô lấy việc dạy con chữ và chăm cho các em nhỏ làm niềm vui, là động lực để cố gắng, từ việc góp tiền lắp đường ống nước sạch, mua lương thực, không có sóng điện thoại hay thậm chí là soi đèn cho học sinh học bài vào các buổi học phụ đạo.


Các thầy cô phải soi đèn pin chiếu sáng cho các em học sinh học mỗi khi thiếu đi ánh sáng mặt trời.

"Khó khăn nhất vẫn là vấn đề đi lại. Để có thể đến được điểm trường thì phải tốn rất nhiều thời gian và phụ thuộc vào thời tiết. Vào những ngày mưa thì anh em rất vất vả. Có những hôm 3 anh em phải đẩy 1 chiếc xe để có thể về được đến nhà", thầy giáo Đào Như Kiều cho biết.

Cô giáo Lương Thị Vân chia sẻ: "Có lẽ phải mất hơn 1 tháng em mới làm quen được với con đường đến trường. Lúc đầu, chỉ ngồi đằng sau thôi cũng đã cảm thấy run sợ bởi vì đường khó đi quá, đường dốc và nhiều đá. Sau quen dần, mình cảm thấy yêu mến nơi đây hơn".

Hành trình gieo chữ của 5 thầy cô giáo tới bản không điện Cà Moong - Ảnh 3.

Các em học sinh đồng thanh thể hiện tình yêu tới 5 thầy cô giáo kính yêu.

"Chúng con yêu các thầy cô rất nhiều", chắc có lẽ từng câu từng chữ ấy của các học trò nghèo nơi đây có giá trị hơn bất cứ thứ gì trên đời. Từng ánh mắt, cử chỉ, tình cảm thân thương của chính các em là niềm động viên, động lực to lớn để tiếp bước cho các thầy cô kiên trì trên hành trình gieo chữ của mình.

Khi màn đêm buông xuống, bóng tối bao trùm bản Cà Moong thì nơi đây vẫn đều đặn vang lên tiếng đọc bài của thầy và trò. Ca Moong có thể không phải là điểm trường khó khăn nhất nhưng là nơi mà các thầy cô giáo đã thành công trong việc gieo lên ở các em tình yêu với con chữ, với kiến thức. Hình ảnh các em học sinh chăm chú đọc báo, đọc truyện ở những giờ ra chơi đã khiến những người thực hiện chương trình của "WeChoice Awards 2019" thật sự xúc động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước