Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Hai ứng cử viên đang áp dụng chiến thuật gì trước ngày bỏ phiếu?

Anh Quang (AP, The Hill, NPR, Politico, New York Times)-Thứ hai, ngày 19/10/2020 18:36 GMT+7

VTV.vn - Cả 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang ở chặng đua “nước rút”. Những chiến thuật nào đang được ông Donald Trump và ông Joe Biden sử dụng?

Các cuộc thăm dò đang nghiêng về ông Biden

Số liệu mới nhất khi chỉ hơn 2 tuần nữa là ngày bầu cử diễn ra cho thấy, đã có hơn 22 triệu người Mỹ bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, do quyết tâm của cử tri đảng Dân chủ và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Con số này cao gấp 10 lần so với cùng thời điểm năm 2016.

Nhiều chuyên gia dự đoán tổng số phiếu bầu năm nay sẽ ghi nhận con số kỷ lục là 150 triệu, và tỷ lệ bỏ phiếu có thể sẽ cao hơn mọi kỳ bầu cử từ năm 1908, theo hãng tin AP.

Trong 42 bang mà AP phân tích, số cử tri Dân chủ bỏ phiếu sớm vượt xa cử tri Cộng hòa với tỷ lệ 2:1. Tỷ lệ này đem lại cho đảng Dân chủ thêm lợi thế vào chặng "nước rút" của cuộc bầu cử. Tại các bang chiến trường quan trọng, với việc đã "khóa" được một lượng cử tri nhất định, đảng Dân chủ có thể dồn tiền để vận động, nhắm đến các cử tri mà trước nay chưa thực sự ủng hộ họ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Hai ứng cử viên đang áp dụng chiến thuật gì trước ngày bỏ phiếu? - Ảnh 1.

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm (Nguồn: AP)

Theo New York Times, ứng cử viên Biden đang dẫn trước ông Trump 10 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở những bang chiến địa. Ông Trump kém ông Biden trung bình 4 điểm phần trăm ở Florida, 5 điểm phần trăm ở Arizona, 8 điểm phần trăm ở Pennsylvania và 9 điểm phần trăm ở Wisconsin.

Đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump đang đặt câu hỏi về độ xác thực của các cuộc thăm dò dư luận. Phát biểu với Fox News, Steve Cortes - cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump cho rằng, các tổ chức thăm dò dư luận đã lựa chọn phần lớn người tham gia là thành viên của đảng Dân chủ hoặc theo phe Dân chủ.

Song phân tích cho thấy, 8% số cử tri bỏ phiếu sớm chưa từng bỏ phiếu trước đó. 13,8% chỉ bỏ phiếu trong chưa đến một nửa số kỳ bầu cử trước đây mà họ có thể đi bầu.

Lợi thế đang tạm nghiêng về phía ông Biden, bởi trong 4 cuộc bầu cử gần đây, không ứng cử viên nào dẫn trước đối thủ đến 10 điểm phần trăm chỉ một tháng trước ngày bầu cử chính thức.

Ông Biden với chiến lược "câu giờ", "giữ im lặng" và sự xuất hiện của "át chủ bài"

Bài học của ứng cử viên Hillary Clinton cách đây 4 năm khi "ăn mừng" quá sớm là điều mà giới truyền thông liên tục mổ xẻ. Tránh đi vào vết xe đổ đó, trong những tuần gần đây, ông Biden đi vận động tranh cử nhiều hơn hẳn lúc dịch COVID-19 đang cao điểm, với các chuyến đi ngắn đến các bang chiến trường quan trọng như Florida ngày 13/10.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Hai ứng cử viên đang áp dụng chiến thuật gì trước ngày bỏ phiếu? - Ảnh 2.

Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, Joe Biden, vẫy tay trong một sự kiện tại Công viên Miramar ở Miramar, Florida ngày 13/10. (Nguồn: AP)

Chris Lehane, người từng làm việc trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ chia sẻ với tờ The Hill rằng: "Đội ngũ tranh cử của Joe Biden thực sự đang câu giờ nhưng họ không muốn giữ quả bóng, thay vào đó sẽ tìm cách ghi bàn khi có cơ hội. Trong khi đó, đối thủ dường như không có một hàng phòng thủ vững chãi, nên có rất nhiều sơ hở".

Đồng quan điểm, chiến lược gia đảng Dân chủ Eddie Vale nhận xét: "Đội ngũ tranh cử của ông Joe Biden đang giữ vị thế của họ một cách khôn ngoan trong giai đoạn nước rút này. Giống như trong cuộc bầu cử sơ bộ, họ không phải lo lắng về quá nhiều vấn đề và không cần phải phản ứng với mọi cáo buộc mà đội ngũ tranh cử của ông Trump đưa ra".

Thậm chí, giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton, Julian E.Zelizer, nói rằng, những "người thách thức" thường quyết liệt hơn trong những ngày cuối cùng.

"Thế nhưng, trường hợp này hơi khác một chút", giáo sư Zelizer nói. "Tôi nghĩ chiến dịch của ông Biden đang mặc kệ ông Trump tự thể hiện mình. Ông Biden có nói hay làm gì cũng không thể có tác động bằng những gì ông Trump tự gây ra qua lời nói hay những dòng tweet của mình. Đó là chiến lược giữ im lặng, với giả định kết quả các cuộc thăm dò là chuẩn xác".

Không dừng lại ở đó, đội ngũ tranh cử của ông Biden cũng rất khôn ngoan khi tung ra "át chủ bài" vào thời điểm này - cựu Tổng thống Barack Obama. Điều này có thể tiếp thêm sinh lực cho chiến dịch tranh cử của ứng viên Joe Biden. Ông Obama rất được lòng các cử tri da màu, nhất là những người gốc Mỹ Latin và cử tri trẻ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Hai ứng cử viên đang áp dụng chiến thuật gì trước ngày bỏ phiếu? - Ảnh 3.

Ứng viên Joe Biden (phải) từng là phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama liên tục từ năm 2008 đến 2016. (Nguồn: Reuters)

Điểm dừng chân đầu tiên của cựu Tổng thống Mỹ Obama sẽ là sự kiện tại Philadelphia, bang Pennsylvania ngày 21/10. Đây sẽ là lần "tương trợ" trực tiếp đầu tiên của ông Obama cho người từng là phó tướng của mình.

Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ tuần này đã phát đi một loạt video có hình ảnh ông Obama kêu gọi người Mỹ ở 24 bang quan trọng đi bỏ phiếu. Trước đó, vào ngày cuối của chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Obama cũng đã cùng vợ đi vận động tranh cử cùng vợ chồng ứng cử viên Tổng thống khi đó là bà Hillary Clinton trước hàng nghìn người nêm chặt Trung tâm Thương mại Độc lập ở Philadelphia.

Ông Obama đã nhiều lần đề cập một thông điệp gửi tới các đảng viên Dân chủ trẻ tuổi, kêu gọi họ làm mọi thứ để có thể tổ chức và tham gia bầu cử.

Ông Trump với chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh"

Để thay đổi quỹ đạo của các cuộc thăm dò dư luận, đội ngũ của ông Trump đang thực hiện một chiến dịch "bùng nổ" trong giai đoạn cuối. Theo Politico, Tổng thống Trump hiện nay đang cố gắng áp dụng lại chiến lược tranh cử năm 2016, đó là chỉ trích truyền thông, tận dụng mọi lúc mọi nơi quảng bá hình ảnh và hạ bệ đối thủ bất cứ khi nào có thể.

Trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc vận động tranh cử tại những nơi mà đội ngũ của ông ít nghĩ đến, đó là các bang có truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa. Ông Trump đã vận động cử tri nông thôn ở bang Iowa hôm 14/10, đến thăm các bang North Carolina, Florida hôm 15-10 và bang Georgia hôm 16/10.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Hai ứng cử viên đang áp dụng chiến thuật gì trước ngày bỏ phiếu? - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành vận động tranh cử tại North Carolina (Nguồn: Politico)

Các chuyên gia cho rằng, lịch trình chiến dịch tranh cử trên dường như là sự thừa nhận ngầm rằng ông Trump đang cố phá thế thua tại các bang chiến địa và các bang truyền thống của Đảng Cộng hòa. Động thái bất thường của ông Trump cũng được xem là nhằm củng cố sự ủng hộ ở các bang thành trì của Đảng Cộng hòa nhằm ngăn thất bại trong một cuộc cạnh tranh có thể giành thắng lợi rất sít sao.

Chiến thuật "đánh nhanh thắng nhanh" nhằm giúp thúc đẩy vị thế của ông Trump ở khu vực công nghiệp Trung Tây - nơi có thể sẽ quyết định kết quả chung cuộc. Nhưng cũng đặt ra hoài nghi về khả năng giành được sự ủng hộ ở các bang "Vành đai Mặt trời".

Hiện cuộc đua vẫn chưa có gì là chắc chắn. "October Surprise" (Bất ngờ tháng 10) vẫn có thể sẽ xuất hiện. Đã thành "thông lệ", trong năm bầu cử ở Mỹ, hễ vào tháng 10 thường có tin tức giật gân, tung ra nhằm triệt hạ đối phương vào phút chót.

Các thông tin này thực ra đã có từ trước đó khá lâu, nhưng được đối phương ém lại và chỉ tung ra vào tháng 10, tức 1 tháng trước khi bầu cử Tổng thống. Khi đó đối phương không đủ thời gian để hóa giải và đành chịu thua cuộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước