Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19

Thanh Hiệp (Trung tâm tin tức VTV24)-Chủ nhật, ngày 08/03/2020 20:12 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh COVID-19 đang tiếp tục lây lan rộng, chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều xáo trộn, một số nước đang đẩy mạnh biện pháp hạn chế xuất khẩu dược, thiết bị y tế.

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu nhiều loại dược phẩm

Ấn Độ, một trong những nhà cung cấp dược phẩm chính của thế giới, mới đây đã quyết định hạn chế xuất khẩu 26 thành phần dược phẩm và các loại thuốc làm từ những thành phần này, bao gồm cả paracetamol và một số loại kháng sinh như tinidazole và erythromycin. Theo CNBC, danh sách các sản phẩm này, chiếm khoảng 10% lượng dược phẩm xuất khẩu của Ấn Độ.

Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19 - Ảnh 1.

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thuốc (Nguồn: DW)

Tổng giám đốc Cơ quan Ngoại thương Ấn Độ cho biết: "Việc xuất khẩu 26 thành phần dược phẩm hoạt động (API) và các loại thuốc làm từ chúng đã bị hạn chế, lệnh này có hiệu lực ngay lập tức và sẽ kéo dài cho tới khi có lệnh mới."

Chính phủ Ấn Độ không đưa ra lý do nào cho lệnh cấm, và cho biết số nguyên liệu thuốc dự trữ vẫn đủ để sử dụng trong 3 tháng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bản thân Ấn Độ cũng dựa vào nguồn cung lớn từ Trung Quốc, với 13 trong tổng số 26 thành phần dược phẩm hoạt động (API) đến từ tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch bệnh COVID-19. Do đó, nhiều khả năng, Ấn Độ cũng đang cố gắng bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo duy trì đủ nguồn cung.

Theo BBC, các nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc tới 70% nguyên liệu và các chuyên gia dự đoán rằng nguồn cung thuốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh không được kiểm soát.

Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19 - Ảnh 2.

Ấn Độ phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung dược phẩm từ Trung Quốc (Nguồn: DW)

Nhà phân tích Shaun Rein tại Trung Quốc đánh giá: "Ngay cả thuốc không sản xuất tại Trung Quốc cũng nhận nguyên liệu từ Trung Quốc. Có thể xảy ra tình trạng cung không đủ cầu nếu cả Trung Quốc và Ấn Độ bị tác động".

Mỹ - châu Âu lo ngại trước động thái của Ấn Độ

Động thái của chính phủ Ấn Độ đã khiến các quốc gia châu Âu đặc biệt lo ngại, bởi theo một tập đoàn trong ngành công nghiệp dược phẩm, quốc gia Nam Á này hiện đóng góp tới 26% lượng thuốc nhập khẩu vào châu Âu.

Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19 - Ảnh 3.

Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung thuốc từ Ấn Độ (Nguồn: Reuters)

Chia sẻ với Reuters, ông Dinesh Dua - Chủ tịch Hội đồng xúc tiến Xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ - bày tỏ lo ngại: "Nếu dịch bệnh không được hạn chế, sẽ có thể xảy ra sự sụt giảm nguồn cung dược phẩm." Ông này cũng cho biết "đang nhận được nhiều cuộc gọi từ châu Âu bởi thị trường này đặc biệt phụ thuộc vào nguồn cung thuốc từ Ấn Độ."

Theo tờ Independent, giới chức Anh ngay lập tức đã phải lên tiếng trấn an dư luận và cho biết, chưa phải đối mặt với bất kỳ tình trạng khó khăn về nguồn cung thuốc men nào. Và việc Anh đang chuẩn bị cho khả năng rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận, cũng đồng nghĩa với việc hệ thống y tế nước này đã lường trước tình huống nguồn cung thuốc men toàn cầu có thể bị gián đoạn.

Phát ngôn viên của Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cho biết: "Hiện tại không có tình trạng thiếu hụt thuốc do tác động của dịch COVID-19. Nước Anh đã chuẩn bị tốt để ứng phó với bất kỳ tác động nào từ dịch bệnh, và chúng tôi đã dự trữ đủ các loại thuốc gốc như paracetamol để đề phòng việc nguồn cung có vấn đề."

Bà Sandra Gidley, Chủ tịch Hiệp hội Dược phẩm Hoàng gia Anh, cũng kêu gọi người dân không tự dự trữ thuốc, bởi điều này sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ khan hiếm thuốc.

Mỹ, quốc gia cũng phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung thuốc từ Ấn Độ, hiện cũng đang đánh giá lại tác động từ quyết định này của New Delhi. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết đang nỗ lực để xác định xem các biện pháp hạn chế từ Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của Mỹ như thế nào. Các số liệu thống kê của FDA từ năm 2018 cho thấy, Ấn Độ là nguồn cung 24% dược phẩm và 31% thành phần dược phẩm cho thị trường Mỹ.

Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19 - Ảnh 4.

Ấn Độ cung cấp 24% dược phẩm cho thị trường Mỹ (Nguồn: Reuters)

Hồi tuần trước, FDA đã thông báo trường hợp thiếu hụt thuốc liên quan đến COVID-19 đầu tiên tại Mỹ tuy nhiên từ chối nêu tên loại thuốc này. Ủy viên FDA Stephen Hahn sau đó cho biết, loại thuốc này bị thiếu hụt là do không có đủ nguồn cung nguyên liệu để sản xuất dược phẩm hoạt động (API).

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, Giám đốc hỗ trợ hoạt động và hậu cần của Tổ chức Y tế thế giới WHO Paul Molinaro chia sẻ, tổ chức này đang thành lập một nhóm nghiên cứu, đánh giá những tác động lên thị trường từ quyết định của Ấn Độ.

Ông Molinaro cho biết: "Hiện tại, điều này không gây ra những tác động hạn chế như với các thiết bị bảo vệ sức khỏe cá nhân, nhưng điều đáng lo ngại là các hiệu ứng gợn sóng cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thuốc."

Các nước thắt chặt xuất khẩu thiết bị y tế

Không chỉ dược phẩm, một loạt quốc gia khác cũng liên tiếp ban hành lệnh thắt chặt xuất khẩu đối với nhóm mặt hàng thiết bị y tế.

Ngày 4/3, chính phủ Nga công bố một sắc lệnh, theo đó cấm xuất khẩu khẩu trang, máy thở, bộ đồ bảo hộ nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng này cho các bệnh nhân điều trị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng như người dân cần nguồn hàng này. Lệnh cấm áp dụng với 17 loại thiết bị trong đó có khẩu trang, tấm bọc giày bằng nhựa, găng tay, mặt nạ chống độc, bộ đồ bảo hộ, bộ đồ chống khuẩn có thể tái sử dụng… Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 1/6.

Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19 - Ảnh 5.

Nga và nhiều nước hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế (Nguồn: Reuters)

Moscow cho biết lệnh cấm nhằm bảo đảm lợi ích của người dân Nga giữa bối cảnh dịch COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người và làm hơn 90.000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu. Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov nhấn mạnh biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng khan hiếm các thiết bị y tế, cũng như nguy cơ những mặt hàng này bị các đối tượng đầu cơ mang ra nước ngoài bán.

Cùng ngày, phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cũng cho biết nước này đã quyết định cấm xuất khẩu các thiết bị bảo hộ y tế nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ y tế trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của dịch COVID-19.

Bộ Y tế Đức cho biết lệnh cấm xuất khẩu nói trên được áp dụng ngay lập tức đối với tất cả thiết bị y tế, trong đó có găng tay y tế và trang phục bảo hộ y tế. Theo Bộ này, các trường hợp ngoại lệ đối với lệnh cấm trên sẽ chỉ được thông qua theo các điều kiện nghiêm ngặt. Chính phủ Đức cũng quyết định nước này sẽ mua các thiết bị bảo hộ y tế để cung cấp cho các bệnh viện và các phòng phẫu thuật trên toàn quốc với các thiết bị cần thiết.

Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19 - Ảnh 6.

Hàn Quốc tăng cường kiểm soát các nguyên liệu dùng trong y tế (Nguồn: DW)

Tại châu Á, Hàn Quốc – quốc gia chịu thiệt hại nặng nề từ dịch COVID-19 - hôm 5/3 cũng có động thái tương tự khi thông báo sẽ tăng cường kiểm soát đối với các nguyên liệu chủ chốt được sử dụng trong sản xuất khẩu trang bảo vệ.

Theo đó, từ ngày 6/3, Hàn Quốc sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ bộ lọc vải không dệt, nguyên liệu thiết yếu sử dụng trong sản xuất khẩu trang. Nước này cũng sẽ hỗ trợ các công ty mở rộng công suất sản xuất, trong khi tìm kiếm nguồn vải nhập từ các nước. Cũng theo quy định khẩn cấp này, toàn bộ các nhà sản xuất và bán lẻ bộ lọc vải không dệt sẽ buộc phải khai báo lượng hàng sản xuất và tồn kho cho cơ quan chức năng mỗi ngày. Chính phủ có thể yêu cầu các doanh nghiệp này điều chỉnh kế hoạch sản xuất và bán hàng, đồng thời cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả lực lượng lao động nếu cần thiết.

Quy định mới có hiệu lực đến hết ngày 30/6. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tù tới hai năm hoặc bị phạt tối đa 50 triệu won (42.200 USD). Trước đó, Hàn Quốc đã hạn chế xuất khẩu khẩu trang tới mức tối đa 10% tổng sản lượng, trước khi áp đặt lệnh cấm hoàn toàn.

Ngoài ra, một số quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Czech cũng đã đưa ra những quyết định tương tự.

Trung Quốc khuyến khích xuất khẩu thiết bị y tế

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc hiện đang khuyến khích các nhà sản xuất đồ bảo hộ y tế nước này xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu ở nước ngoài.

Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, ông Cao Xuejun, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc nhấn mạnh dịch COVID-19 đã trở nên nghiêm trọng hơn tại một số nước và khu vực, dẫn đến tình trạng thiếu hụt đồ bảo hộ y tế. Là nhà sản xuất đồ bảo hộ y tế lớn trên thế giới, Trung Quốc khuyến khích các nhà máy trong nước tăng cường xuất khẩu nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh trên toàn cầu.

Các nước siết chặt xuất khẩu thuốc và thiết bị y tế phòng COVID-19 - Ảnh 7.

Trung Quốc khuyến khích đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế (Nguồn: Reuters)

Do nhiều nhà máy dệt may điều chỉnh dây chuyển sản xuất, sản lượng đồ bảo hộ y tế của Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng vừa qua. Trung Quốc hiện sản xuất được 250.000 bộ đồ bảo hộ/ngày cho tỉnh Hồ Bắc, khu vực hiện đang là tâm dịch, vượt quá nhu cầu thực sự của tỉnh. Bên cạnh đó, quan chức này cũng nhấn mạnh dù số trường hợp nhiễm mới tại Trung Quốc tiếp tục giảm, song công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh vẫn đang ở giai đoạn quan trọng. Do đó, các nhà sản xuất trong nước không nên cắt giảm sản lượng mặt hàng này.

(Tham khảo nguồn: Mainichi, Reuters, BBC, Independent, ABC News, CNBC, DW, Nikkei Asian Review)

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước