Nhiều nước có mức lạm phát lương thực hàng năm tới ba con số

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 29/03/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nhiều nước có mức lạm phát lương thực hàng năm lên tới ba con số như Zimbabwe 285%, Venezuela 158%, hay Lebanon 143%.

Trong nhóm các quốc gia phát triển, các nước EU đang chịu tác động lớn nhất của lạm phát lương thực thực phẩm. Theo số liệu của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, lạm phát đối với thực phẩm và đồ uống là cao nhất, với mức tăng của tháng trước là 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát lương thực tại ba nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Đức, Anh và Pháp đều ở mức cao.

Anh Amir Abu Saleh - Tiểu thương tại chợ Belleville, Paris, Pháp: "Khách hàng bảo tôi là họ cảm thấy như bị mất cắp tiền mỗi khi đi chợ. Một món đồ trước kia chỉ tầm 1 euro hoặc hơn 1 euro thì nay lại thành 3 euro. Đương nhiên là người ta sẽ thấy xót xa cho ví tiền của họ rồi. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì mức giá của một số mặt hàng, nhưng việc đó cũng rất khó khăn đối với chúng tôi".

Giá lương thực tăng cao dịp Tháng lễ Ramadan

Tại Trung Đông, những thách thức mà giá lương thực tạo ra thậm chí đang được mô tả như một cuộc khủng hoảng. Hàng triệu người ở khu vực này đang bị ảnh hưởng ngay khi vừa bắt đầu Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Nhiều nước có mức lạm phát lương thực hàng năm tới ba con số - Ảnh 1.

Theo các số liệu thì giá lương thực trung bình của thế giới đang đạt mức cao kỷ lục trong 1 thập kỷ. Tại Trung Đông, có 5 quốc gia giá lương thực đã tăng hơn tới hơn 60%.

Theo trang báo Kinh doanh Arab, tình trạng lạm phát giá lương thực đã khiến hơn 40 triệu người dân khu vực này rơi vào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.

Các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập giá lương thực đều tăng trên 60%. Trong khi Lebanon, giá lương thực thậm chí tăng tới 140%. Nhiều gia đình hiện chỉ có thể đủ tiền mua được khoảng 1/4 khẩu phần lương thực so với trước đây.

Trang báo Arab mới cho biết, tại Trung Đông, Bắc Phi tới 90% lương thực là phải nhập khẩu. Cuộc xung đột chưa thấy hồi kết giữa Nga và Ukraine đã đẩy một số quốc gia vào tình thế khốn khó. Như tại Ai Cập, đa phần lúa mì trước đến nay là nhập từ Nga và Ukraine, giờ đây người dân đang phải chứng kiến giá lương thực biến động theo ngày. Tình trạng càng tồi tệ hơn khi giới buôn lương thực ‘tát nước theo mưa’, nâng giá lương thực tùy tiện.

Các quốc gia Trung Đông, đa phần là người Hồi giáo hiện đang ở trong tháng nhịn ăn Ramadan. Gọi là tháng nhịn ăn, nhưng là nhịn ăn vào ban ngày, để đến khi mặt trời lặn, theo truyền thống mỗi ngày sẽ đều là những bữa tiệc thịnh soạn, như là bữa cơm ngày Tết của Việt Nam vậy. Có điều, giá lương thực tăng cao như hiện nay đang khiến nhiều gia đình tại Trung Đông lo lắng, Ramadan năm nay họ sẽ không chỉ nhịn ăn vào ban ngày, mà cả vào buổi tối.

Nhiều nước có mức lạm phát lương thực hàng năm tới ba con số - Ảnh 2.

Trang báo Al Jazeera của Qatar cho biết, như tại Lebanon, các số liệu cho thấy có 80% dân số đang ở trong tình cảnh không thể đủ tiền để trang trải cho bữa ăn cho gia đình sau 1 ngày nhịn ăn. Tại Syria, tới 90% dân số là đang phải sống dưới ngưỡng nghèo.

Nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát lương thực

Trước thực trạng giá lương thực liên tục tăng cao, nhiều nước và khu vực đã áp dụng các biện pháp khác nhau để kiềm chế lạm phát lương thực, đồng thời có các chính sách hỗ trợ những người chịu tác động nặng nề nhất.

Liên minh châu Âu EU đưa ra gói hỗ trợ trị giá 500 triệu euro và khuôn khổ khủng hoảng tạm thời cho phép các quốc gia thành viên trợ cấp những nhà sản xuất lương thực bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng cao.

Các quốc gia thành viên EU được khuyến khích giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) để kiềm chế lạm phát giá lương thực và sử dụng Quỹ viện trợ châu Âu cho những người thiếu thốn nhất (FEAD).

Nhiều nước có mức lạm phát lương thực hàng năm tới ba con số - Ảnh 3.

Ủy ban châu Âu EC cũng thông qua cơ chế đặc biệt tạm thời cho phép sử dụng đất bỏ hoang (là đất canh tác không thu hoạch trong một năm trở lên), để tăng sản lượng lương thực thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. EC cũng tạm thời nới lỏng các yêu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Ấn Độ chuẩn bị phân phối 2 triệu đến 3 triệu tấn lúa mì cho những người tiêu dùng số lượng lớn như các nhà máy xay bột mì và nhà sản xuất bánh nhằm hạ nhiệt mức giá bột mỳ cao kỷ lục.

Tổng thống Philippines đã chấp thuận khuyến nghị của Bộ Kinh tế nước này về việc gia hạn mức thuế suất thấp hơn đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho đến cuối năm nay.

Khi mà lạm phát kéo theo nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng gia tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và các tổ chức toàn cầu khác cho biết, trong một tuyên bố chung gần đây về an ninh lương thực, rằng các chính phủ và nhà tài trợ phải tăng cường hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và thị trường. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất lương thực. Và cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ là bất ổn địa chính trị và biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước