Nỗi ám ảnh hạt nhân trong tâm trí người sống sót

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 11/12/2017 19:58 GMT+7

VTV.vn - 72 năm đã trôi qua, thành phố Nagasaki đã vươn lên xây dựng và phát triển mạnh mẽ, nhưng cái tên Nagasaki vẫn luôn nhắc nhở thế giới về sự tàn khốc của bom nguyên tử.

Một trong những giải thưởng Nobel được cho là danh giá nhất trong hệ thống, giải Nobel Hòa bình, đã chính thức được trao tặng cho tổ chức Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) tại Oslo, Na Uy. Không giáo điều và xa xôi, Nobel Hòa bình năm nay hướng thẳng đến sự đe dọa về nguy cơ diệt vong hạt nhân, một khả năng không hoàn toàn bị loại trừ nếu căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục bùng phát.

Sẽ không có ai hiểu rõ về vũ khí hạt nhân hơn chính những người đã sống sót qua thảm họa này. Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản từng bị san phẳng bởi 2 quả bom hạt nhân trong Thế chiến thứ 2. 72 năm đã trôi qua, thành phố Nagasaki đã vươn lên xây dựng và phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng của mình trên bản đồ kinh tế của đất nước Mặt trời mọc. Thế nhưng, cái tên Nagasaki vẫn luôn nhắc nhở thế giới về sự tàn khốc của bom nguyên tử, về cái giá mà người dân vô tội phải trả trong chiến tranh.

Ngày hôm nay, hạt giống của những cây cối còn sót lại sau vụ ném bom nguyên tử trong thế chiến thứ 2 được mang tới Oslo, Na Uy, nơi diễn ra lễ trao giải Nobel hòa bình, để gieo trồng, như một cách để lan truyền sự nhận thức về vũ khí hạt nhân.

Bà Toyoko Tagawa, một trong những nạn nhân sống sót đến Nauy nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, đã tự tay ươm mầm những hạt giống. Ngày mà quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Nagasaki, bà Toyoko Tagawa mới chỉ 6 tuổi. Anh trai của bà đã thiệt mạng trong trận ném bom ấy. Từng trận mắt chứng kiến sự kiện đau thương này, hơn ai hết, bà muốn trên thế giới này vĩnh viễn không còn vũ khí hạt nhân.

Còn chính tại Nagasaki, nơi từng hứng chịu thảm họa kinh hoàng, nhiều nạn nhân vẫn nhớ từng khoảnh khắc khi quả bom plutonium "Fat Man" được ném xuống Nagasaki. Cụ Sumiteru may mắn sống sót, tuy nhiên giống như nhiều người khác, cụ mang trên mình những thương tổn, dị tật vĩnh viễn vì phóng xạ như lợi chảy máu, răng tự rơi, tóc rụng từng mảng... Có những người còn bị ung thư, dị tật, sinh non, đột tử.

Nagasaki khi ấy trở thành bình địa, tất cả biến thành tro bụi dưới sức nóng của một tường nhiệt 4000 độ C, đủ để nung chảy cả thép. Hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki được phía Mỹ cho là đã khiến Nhật Bản ngay lập tức đầu hàng, đặt dấu chấm hết cho Thế chiến thứ 2.

Một số nhà sử học cho rằng 2 quả bom nguyên tử của Mỹ thậm chí đã ngăn một cuộc đổ bộ xảy ra, mà có thể còn gây ra gấp nhiều lần thương vong. Một số khác chỉ trích đây là một hành động tàn nhẫn không cần thiết vì cục diện chiến tranh đã rõ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước