Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra nước tăng lực chứa quá nhiều caffeine

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 11/07/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Một loại nước tăng lực đang rất phổ biến đối với thanh thiếu niên tại Mỹ đối mặt với nguy cơ bị điều tra do mức độ hàm lượng caffeine quá cao.

Thượng nghị sĩ Mỹ Charles Schumer hôm qua đã kêu gọi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA điều tra loại nước tăng lực có tên là Prime.

Loại đồ uống này được quảng bá bởi Logan Paul - một người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội YouTube. Chính vì thế, ngay từ khi ra mắt, nó đã thu hút sự quan tâm của nhiều thanh thiếu niên và đang là một trong những loại nước tăng lực thu hút nhất mùa hè này tại Mỹ.

Được quảng cáo là không đường và thuần chay, mỗi lon đồ uống loại này có hàm lượng caffeine tương đương 6 lon Coca Cola hoặc gần 2 lon Red Bull. Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về những tác động sức khỏe mà loại đồ uống chứa nhiều caffeine này có thể gây ra đối với trẻ em.

TS. Edith Bracho Sanchez - Bác sĩ Nhi khoa, Trung tâm Y tế Irving, Đại học Columbia: "Chúng tôi với tư cách là các bác sĩ rất lo lắng. Lượng caffeine trong những đồ uống này có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên đau đầu. Nó có thể khiến họ bồn chồn, lo lắng, có thể cản trở chu kỳ giấc ngủ, vốn rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ. Chúng ta đều biết những điều này, đây là khoa học thường thức. Chúng ta đã từng chứng kiến điều đó xảy ra trước đây. Khi những sản phẩm này được tiếp thị và quảng cáo theo cách hào nhoáng, hấp dẫn, thông qua những người có ảnh hưởng và người nổi tiếng, thì đối tượng đầu tiên lắng nghe và sẵn sàng mua hàng bằng bất kỳ cách nào chính là trẻ em".

Tiếp thị thực phẩm thay đổi chế độ ăn uống của trẻ em

Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra nước tăng lực chứa quá nhiều caffeine - Ảnh 1.

Hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới đang tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống không cồn chứa nhiều chất béo bão hòa, axit béo chuyển hóa, đường hoặc muối, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của các em.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cứ ba thanh thiếu niên thì có hơn 1 em uống ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày, hơn một nửa các em tiêu thụ thức ăn nhanh một lần hoặc hơn trong vòng một tuần.

Nhiều bằng chứng cho thấy, việc tiếp xúc với tiếp thị thực phẩm có ảnh hưởng đến sở thích, cách lựa chọn thực phẩm và lượng thức ăn của trẻ em. Thị trường thực phẩm hiện nay lại đẩy mạnh việc bán và tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường, muối và chất béo, thay vì những lựa chọn lành mạnh hơn.

Bảo vệ trẻ em khỏi tác hại của tiếp thị thực phẩm

Ngành công nghiệp thực phẩm trị giá nhiều tỷ USD tiếp tục hướng tới đối tượng trẻ em bằng nhiều chiêu thức tiếp thị đa dạng, được hỗ trợ bởi kỹ thuật số và công nghệ hiện đại. Có thể nói, trẻ em đang bị bủa vây bởi các hoạt động tiếp thị thực phẩm rầm rộ ở mọi nơi. Vậy làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước những tác hại xấu của tiếp thị thực phẩm?

Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra nước tăng lực chứa quá nhiều caffeine - Ảnh 2.

Mexico đang giữ kỷ lục thế giới không đáng tự hào về lượng tiêu thụ nước ngọt. Trung bình mỗi người dân nước này uống 163 lít nước ngọt mỗi năm, cứ 4 người Mexico thì có 3 người trong tình trạng thừa cân.

Để đối phó với tình trạng này, Chính phủ Mexico đã thông qua ba đạo luật: một loại thuế đánh vào đồ ngọt; luật cấm quảng cáo thực phẩm không tốt cho sức khỏe cho trẻ em, và quy định dán nhãn cảnh báo sản phẩm không tốt cho sức khỏe, giống như trên vỏ bao thuốc lá. Những giải pháp này được ủng hộ bởi các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.

Chị Dore Castillo - Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ContraPESO, Mexico: "Giờ đây, các nhà sản xuất phải công bố liệu sản phẩm của họ có chứa lượng quá lớn đường, calori, chất béo bão hòa hay muối. Đây là điều kiện thiết yếu trong cuộc chiến chống thừa cân, béo phì. Thật tuyệt khi thấy những nhãn dán trên sản phẩm giúp người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn đúng. Quy định cũng cấm việc sử dụng các hình tượng động vật trên bao bì sản phẩm cho trẻ em.

"Các nhà sản xuất phải xóa bỏ hình ảnh động vật như những chú hổ, voi, vẹt trên các hộp ngũ cốc. Những hình ảnh đó đã hằn sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ trẻ em", chị Dore Castillo nói.

Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra nước tăng lực chứa quá nhiều caffeine - Ảnh 3.

Tuần trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố bộ công cụ mới để hỗ trợ các quốc gia thực thi chính sách toàn diện trong việc giới hạn quảng bá thực phẩm hướng đến đối tượng trẻ em.

Bộ công cụ mới đưa ra những chỉ dẫn, giới thiệu cho các chính phủ và đối tác những biện pháp pháp lý phù hợp để hạn chế tiếp thị thực phẩm, mở rộng chương trình bảo vệ trẻ em trước những tác hại xấu của tiếp thị thực phẩm, cũng như xây dựng tương lai khỏe mạnh và tươi sáng hơn cho các em.

Trước đó, cuối tháng hai năm nay, UNICEF cũng đã thực hiện chiến dịch "Fix My Food". Chiến dịch do chính các bạn trẻ triển khai, nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu tạo ra môi trường thực phẩm lành mạnh hơn ở 8 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Mục đích dự án là nhằm quảng bá chế độ ăn gồm những thực phẩm truyền thống, tươi ngon và lành mạnh, không để chúng bị thay thế bởi thực phẩm rác, không tốt cho sức khỏe.

Bên cạnh các biện pháp để hạn chế tiếp thị thực phẩm đối với trẻ em, hoặc áp thuế cao hơn với những thực phẩm không lành mạnh, một biện pháp khác cũng đang được nhiều chính phủ và tổ chức tính đến, đó là giảm thuế với các thực phẩm tốt cho sức khỏe, như rau củ, trái cây, các loại hạt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước