Thương vụ kỷ lục tại Triển lãm hàng không Paris 2023

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 21/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngày đầu tiên của Triển lãm hàng không Paris đã được đánh dấu bởi một hợp đồng máy bay thương mại kỷ lục, đó là đơn đặt hàng 500 máy bay Airbus A320 của hãng IndiGo.

Hợp đồng trị giá hàng tỷ USD này đã vượt kỷ lục trước đó của một hãng hàng không Ấn Độ khác là Air India với 470 chiếc máy bay. Những chiếc máy bay trong đơn hàng lần này sẽ được Airbus giao cho IndiGo từ năm 2030 đến năm 2035.

Diễn ra trong vòng 1 tuần với sự góp mặt của khoảng 2.500 công ty đem tới các máy bay, thiết bị bay không người lái, máy bay trực thăng và các mẫu taxi bay mới nhất, Triển lãm hàng không Paris được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh thu cho ngành hàng không.

Ông Gilles Fournier - Giám đốc điều hành Triển lãm hàng không Paris: "Ngành vận tải hàng không đang phục hồi và dẫn trở lại mức như năm 2019, trừ khu vực châu Á, nhưng điều này cũng sẽ thay đổi chỉ sau vài tháng nữa. Với ngành sản xuất máy bay, vấn đề là nguồn cung để chế tạo máy bay. Cầu đang vượt cung. Tôi cho rằng tình trạng này sẽ được giải quyết trong hai năm tới".

Thương vụ kỷ lục tại Triển lãm hàng không Paris 2023 - Ảnh 1.

Ông Richard Aboulafia - Nhà phân tích, Giám đốc Công ty tư vấn Aerodynamic: "Bạn biết đấy, thị trường hàng không đang tăng trưởng ở mức mạnh nhất mà tôi từng thấy trong 35 năm qua. Có một bước tiến rất mạnh mẽ ở lĩnh vực hàng không quốc phòng, nhưng sự phục hồi của thị trường hàng không thương mại sau đại dịch mới thực sự đạt được bước tiến lớn. Chúng ta gần như đã trở lại thời kỳ đỉnh cao".

Hàng không chật vật đáp ứng phục hồi du lịch

Sự bùng nổ nhu cầu đối với máy bay thương mại không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Tuần trước, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu sẽ tăng 28,3% so với năm ngoái, lên 4,35 tỷ lượt người trong năm nay - gần trở lại mức của năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Nhưng cùng với sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành hàng không là sự chật vật của các nhà cung cấp máy bay và linh kiện để theo kịp đà phục hồi.

Triển lãm Hàng không Paris trở lại sau 4 năm. Lần gần nhất sự kiện này được tổ chức vào năm 2019, tổng giá trị các hợp đồng được ký kết là 140 tỷ USD. Nhà tổ chức kỳ vọng con số này năm nay sẽ còn cao hơn.

Thương vụ kỷ lục tại Triển lãm hàng không Paris 2023 - Ảnh 2.

Ông Gilles Fournier - Giám đốc điều hành Triển lãm hàng không Paris: "Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều hợp đồng được ký kết trong triển lãm lần này, nhưng chúng ta sẽ cùng xem tình hình trong những ngày sắp tới. Nhiều đơn hàng lớn đã được đàm phán trong vài tháng qua và tôi cho rằng chúng sẽ được ký kết tại triển lãm".

Thế nhưng, đặt hàng là một chuyện, còn nhận được hàng là chuyện hoàn toàn khác. Sau đại dịch, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng vọt. Nhưng việc sản xuất đủ máy bay để đáp ứng nhu cầu đó đang là bài toán gây đau đầu cho nhiều công ty.

Ông Darren Hulst - Phó chủ tịch phụ trách tiếp thị và kinh doanh, Tập đoàn Boeing: "Các hãng hàng không nhận ra nhu cầu to lớn của thị trường và cố gắng đáp ứng nhu cầu đó, nhưng tồn tại nhiều thách thức trong toàn ngành, chẳng hạn như chuỗi cung ứng máy bay hay vấn đề nguồn nhân lực về phi công, về kỹ thuật viên. Và chúng ta đã khởi đầu thập kỷ này với thách thức lớn nhất mà ngành hàng không từng đối mặt, nhu cầu giảm xuống bằng không và việc sản xuất phải điều chỉnh cho phù hợp. Rồi bây giờ chúng ta lại quay trở lại mức trước kia. Đâu có đơn giản như việc bật một cái công tắc".

Thương vụ kỷ lục tại Triển lãm hàng không Paris 2023 - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, về tổng thể, việc phục hồi chuỗi cung ứng ngành hàng không vũ trụ về mức trước đại dịch không phải là điều quá xa vời. Thị trường có những tín hiệu tích cực như tốc độ sản xuất dần tăng và nhu cầu đi lại tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình vẫn phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô, lạm phát, tác động của tình hình địa chính trị và các vấn đề lao động. Thật không may, những tác động này được dự báo sẽ vẫn tồn tại trong một hoặc hai năm tới.

Trong bối cảnh cung khó đáp ứng cầu như hiện nay, nhiều nhà cung cấp đang xem xét tự sản xuất một số bộ phận máy bay với các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có thể đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho quá trình này. Theo Hiệp hội Hàng không Vũ trụ Pháp, chỉ riêng ở nước này, từ năm 2020 đến nay đã có gần 80 thương vụ mua bán - sáp nhập trong ngành. Mục tiêu của các thương vụ đa phần để hỗ trợ các công ty nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước