Tình trạng bắt nạt học đường phổ biến tại Nhật Bản

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 02/05/2017 19:14 GMT+7

VTV.vn - Trong năm 2016, theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, đã có hơn 200 nghìn trường hợp bắt nạt học đường được ghi nhận, tăng tới gần 20% so với năm 2015.

Ở Việt Nam, thường hay nghe tới cụm từ bạo lực học đường, một vấn đề nghiêm trọng liên quan tới mâu thuẫn phát sinh từ mối quan hệ của các học sinh. Thực chất bạo lực học đường chỉ là một trong những hình thái của một vấn đề rộng hơn, đó là bắt nạt trong học đường, rất phổ biến tại Nhật Bản. Xâm phạm, bạo hành thể xác lẫn tinh thần cướp đi sự tự tin, trong sáng và đôi khi là cả tính mạng của những nạn nhân.

Rima Kasai, 13 tuổi, tự vẫn bằng cách nhảy vào đoàn tàu đang chạy tại ga Kitatokiwa, thành phố Aomori, phía Bắc Nhật Bản. Cô bé chết vào ngày thứ 2 của học kỳ mới trong năm lớp 8 của mình, sau khi em bị bắt nạt trong suốt một năm liền.

Cha cô bé, ông Go Kasai cho biết, bạn học trêu chọc Rima bằng đủ thứ trò, chúng chê cô bé xấu, gọi cô bé là bọ, và kêu cô bé nên đi chết đi. Khi Rima về nhà, trò bắt nạt vẫn không kết thúc. Em liên lục nhận những tin nhắn lăng mạ, có khi là cả một nhóm trò chuyện cũng tập trung vào xỉ vả em.

Không rõ tại sao Rima trở thành nạn nhân. Nhiều người quen Rima nói rằng đó là vì cô bé nổi bật, tham gia các hoạt động múa hát rất tích cực. Nhưng gốc của vấn đề, theo nhiều nhà nghiên cứu lại chính là một vấn đề xã hội, bắt nguồn từ tâm lý đám đông.

Tình trạng học sinh bị bắt nạt trở thành đề tài được tranh luận tại Nhật Bản từ năm 1986, bùng lên sau vụ một nam học sinh trung học tự treo cổ trong nhà vệ sinh của một trung tâm thương mại sau nhiều tháng chịu dằn vặt của các bạn cùng trường.

Trong năm 2016, theo số liệu của chính phủ, đã có hơn 200 nghìn trường hợp bắt nạt học đường được ghi nhận, tăng tới gần 20% so với năm 2015, cao nhất kể từ khi Nhật Bản chính thức ghi nhận vấn đề năm 1986. Trong số này có 9 em đã tự tử.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đã luôn nỗ lực mở rộng khái niệm "bắt nạt" trong luật pháp để không có thêm bất cứ nạn nhân nào rơi vào lỗ hổng. Nhưng trường hợp của Rima Kasai lại một lần nữa nhắc nhở rằng Nhật Bản cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những nạn nhân dễ bị tổn thương.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước