Tổng thống Obama tính thành lập nhóm đặc trách về Ebola

Việt Hùng - Trường Sơn - Tô Dũng (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ sáu, ngày 17/10/2014 17:11 GMT+7

Ảnh minh họa

Mặc dù giới chức Mỹ vẫn tỏ ra khá tự tin về khả năng kiểm soát Ebola tại nước này tuy nhiên nhiều diễn biến phức tạp làm dư luận Mỹ chưa thể yên tâm.

Ngày thứ hai liên tiếp, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải họp với các cố vấn và thành viên chủ chốt của chính phủ về việc đối phó với Ebola. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thống Obama cho biết, ông đang tính toán đến việc thành lập một nhóm đặc trách về Ebola để điều phối công tác ứng phó với Ebola trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama vẫn tuyên bố, ông không cho rằng đề nghị cấm các chuyến bay từ các nước có dịch Ebola vào Mỹ là cách xử lý có hiệu quả.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Nếu chúng ta ra lệnh cấm bay thay vì sử dụng các quy chế kiểm soát mà chúng ta đang có như hiện nay, sẽ xuất hiện tình trạng mọi người giấu giiếm các thông tin về bản thân và tìm cách nhập cảnh vào Mỹ thông qua các nước thứ ba. Kết quả là, công tác kiểm soát những người có nguy cơ cao của chúng ta sẽ trở nên khó khăn hơn".

Bất chấp những lời lẽ cương quyết của chính quyền Mỹ, các tiếng nói từ người dân và Quốc hội Mỹ đang tiếp tục gây sức ép buộc chính quyền phải ra lệnh cấm đi lại từ Tây Phi bởi họ cho rằng chỉ quét thân nhiệt hành khách ở các sân bay là không đủ. Khi đến Mỹ, nạn nhân Duncan cũng từng được quét thân nhiệt. Trong cuộc điều trần của các quan chức y tế Mỹ tại Hạ viện ngày 16/10, các quan chức Mỹ cũng tiếp tục khẳng định họ đang kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh vào Mỹ.

Ông Steve Scalise, Hạ nghị sỹ Cộng hoà, bang Lousiana cho rằng: "Nếu chính quyền tuyên bố không tính đến chuyện ra lệnh cấm đi lại từ vùng dịch, tôi không cho đó là cách làm đúng và sẽ rất nhiều người không đồng ý giống tôi. Ít nhất vào lúc này, chúng ta cần phải ngay lập tức dừng việc cấp visa cho những người không phải công dân Mỹ muốn đến từ các nước như Sierra Leone, Liberia và Guinea".

Cũng trong ngày 16/10, bệnh nhân Ebola người Mỹ gốc Việt Nina Phạm đã được chuyển từ bệnh viện Cơ đốc Dallas đến Viện Y tế Quốc gia ở Bethesda, Maryland. Đây là một trong bốn bệnh viện có kinh nghiệm trong nhiều năm trong đối phó với những loại bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao như Ebola. Nina Phạm được ghi nhận là vẫn đang trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Các chuyên gia tại Mỹ cho rằng, khoảng thời gian trong 2 tuần tới đây là thời điểm quan trọng, quyết định đến khả năng kiểm soát hoảng loạn của công chúng trước dịch bệnh Ebola. Lý do bởi hiện nay, chính quyền Mỹ vẫn đang khẳng định họ có thể kiểm soát và khống chế Ebola và người dân đang tin vào điều đó. Nếu họ không làm được, lòng tin đó mất đi, một sự hoảng loạn quy mô lớn sẽ là điều rất khó tránh khỏi.

 

Từ khóa:

ebola

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước