Triển vọng giải quyết bất đồng khu vực Đông Bắc Á

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 28/09/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây là một tín hiệu tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cho khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung.

Ngày 26/9, các nhà ngoại giao Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc hội đàm cao cấp tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thảo luận về hợp tác ba bên và tìm kiếm khả năng nối lại hội nghị thượng đỉnh vốn đã bị đình trệ từ lâu giữa các nhà lãnh đạo ba nước.

Tham dự hội đàm có Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Byung-won, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nong Rong.

Theo hãng tin Yonhap, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào thời gian sớm nhất sau thời gian dài đình trệ. Theo các nguồn tin ngoại giao, Hàn Quốc đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên nói trên vào tháng 12 tới, bốn năm sau khi sự kiện này bị gián đoạn kể từ tháng 12/2019. 

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân xác nhận, quan chức nước này, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo ba nước.

Ông Uông Văn Bân - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: "Chúng tôi luôn nhất trí tin tưởng rằng việc thực hiện hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là vì lợi ích chung của ba bên. Chúng ta nên cùng nhau tăng cường hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực như văn hóa và kinh tế, đổi mới công nghệ, phát triển bền vững và sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy những tiến bộ mới trong hợp tác ba bên, đồng thời có những đóng góp mới cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Ba bên nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong những tháng tới và thúc đẩy sớm triệu tập các nhà lãnh đạo, gặp nhau vào thời điểm thuận tiện để cả ba nước duy trì liên lạc".

Triển vọng giải quyết bất đồng khu vực Đông Bắc Á - Ảnh 1.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin cũng đã có cuộc gặp với các quan chức ngoại giao cấp cao ba nước để thúc đẩy hợp tác nhằm mang lại những kết quả hữu hình. "Tôi đề nghị các quan chức ngoại giao cấp cao hợp tác chặt chẽ với nhau để có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên trong năm nay. Tôi hy vọng các quan chức ngoại giao cấp cao sẽ cố gắng hết sức để biến điều này thành hiện thực".

Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa các nước láng giềng Đông Bắc Á lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2008 và sau đó đình trệ từ năm 2019 do tranh chấp bùng phát giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến phán quyết của Tòa án Hàn Quốc về vấn đề Nhật Bản bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến và đại dịch COVID-19 bùng phát sau đó.

Các cuộc thảo luận về sự cần thiết phải khôi phục ngoại giao cấp cao ba bên đã nổi lên sau khi quan hệ giữa Seoul và Tokyo bắt đầu tan băng với việc chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol lãnh đạo Hàn Quốc hồi tháng 5 năm ngoái. Với cương vị Chủ tịch hiện tại của cơ chế hợp tác ba bên, Hàn Quốc đang nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn - Trung - Nhật trong năm nay.

Cải thiện quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc

Nhiều ý kiến cũng tỏ ra dè dặt về triển vọng hợp tác ba bên vì dù Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng hai nước lại là đồng minh thân cận của Mỹ. Vì thế, để cải thiện quan hệ ba bên đòi hỏi phải có tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, giảm sự can thiệp từ bên ngoài cũng được xem là chìa khóa nâng tầm quan hệ kinh tế ba nước.

Gần đây, Hàn Quốc cũng khó xử bởi những lệnh cấm bán chip tiên tiến của Mỹ cho Trung Quốc đã góp phần làm cho doanh số bán chip của Samsung Electronic, SK Hynix giảm mạnh. Xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 8 đã giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 51,9 tỷ USD, đánh dấu tháng thứ 11 liên tiếp xuất khẩu vào Trung Quốc giảm.

Với Nhật Bản, những khúc mắc gần đây liên quan đến Trung Quốc cấm nhập hải sản liên quan đến xả thải nhà máy Fukushima. Doanh nghiệp ô tô, điện tử Nhật cũng ngày càng khó làm ăn ở thị trường Trung Quốc trước sự lớn mạnh của các doanh nghiệp xe ô tô điện, hàng điện tử Trung Quốc…

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng việc ba nước nhất trí nối lại cuộc gặp thượng đỉnh ba bên sau 4 năm gián đoạn kể từ tháng 12/2019 cũng đã mang lại hy vọng cải thiện quan hệ kinh tế và tin cậy chính trị giữa ba nền kinh tế có vai trò quan trọng lẫn nhau.

Triển vọng giải quyết bất đồng khu vực Đông Bắc Á - Ảnh 2.

Trong cuộc họp báo ngày 26/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh, hợp tác là vì lợi ích chung, ba nước nên tăng cường hợp tác thiết thực trong giao lưu nhân dân, kinh tế - thương mại, đổi mới khoa học - công nghệ, triển khai những tiến bộ mới trong hợp tác ba bên, đóng góp mới cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.

Thượng đỉnh ba bên có thể diễn ra vào cuối năm nay

Các nhà phân tích đánh giá, với nỗ lực của các bên, triển vọng về hội nghị ngoại trưởng và sau đó là hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật - Trung - Hàn có thể diễn ra vào cuối năm nay. Đây là một tín hiệu tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển cho khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung.

Về cơ bản, lợi ích chung về kinh tế chính vẫn là động lực lớn nhất để các bên nối lại đàm phán đa phương, thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng sẽ là nội dung chủ yếu trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, nếu các hội nghị ba bên được khôi phục, cũng sẽ mở ra kênh đối thoại để cho Nhật - Trung - Hàn giải quyết các khủng hoảng trong quan hệ song phương cũng như đa phương. Các nhà phân tích dự báo, Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn nếu diễn ra có thể hạ nhiệt cho khu vực Đông Bắc Á với nhiều bất đồng, như vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vấn đề hạt nhân tên lửa Triều Tiên, vấn đề eo biển Đài Loan hay mới đây là vấn đề xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Triển vọng về một hội nghị thượng đỉnh ba bên trong năm nay được nước chủ nhà Hàn Quốc nỗ lực triển khai trong bối cảnh tình hình Đông Bắc Á đối mặt nhiều thách thức và tình hình chính trị thế giới đang có những sự chuyển biến phức tạp. Do đó, cuộc gặp được kỳ vọng mang tính lịch sử, khép lại một chương khó khăn trong quan hệ Nhật - Hàn, đồng thời tạo ra những thay đổi lớn trong bản đồ địa chiến lược tại Đông Bắc Á, có thể tạo ra những tín hiệu tích cực giúp ổn định tình hình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước