106 người đã thiệt mạng, 25 người mất tích do mưa bão. Tại Khánh Hòa, nơi tâm bão đi qua, từ khi bão vào đất liền đến lúc bão đi qua, chỉ vài giờ ngắn ngủi nhưng đã lấy đi của người dân những sản nghiệp tích luỹ cả cuộc đời. Bà con đang làm đêm khấm khá, chỉ sau một đêm sạt nghiệp.
Các bài viết về bão số 12 nổi bật trên các báo trong tuần
Chỉ sau 1 ngày tràn qua Tây Nguyên, bão số 12 đã khiến cho hàng ngàn nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Tờ Nông thôn ngày nay nhận định: Xuất phát từ tâm lý xưa nay Tây Nguyên không có bão, người dân không chú trọng kiên cố hóa nhà cửa nên thiệt hại là rất lớn.
Mặc dù đã được dự báo, cảnh báo từ rất sớm và có thời gian để các tỉnh triển khai ứng phó, nhưng hậu quả của cơn bão số 12 được báo cáo tại cuộc họp trực tiếp do Thủ tướng chủ trì đầu tuần này đã quá mức tưởng tượng về mức độ tàn phá cũng như những nguy cơ do bão gây ra. Sau cơn bão, những lỗ hổng của công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền cơ sở đã lộ ra bao điều đáng để suy ngẫm.
Bão dữ đi qua để lại quá nhiều mất mát, nhưng cũng từ trong khổ đau mất mát đó, có những chuyện thấm đẫm tình người. Câu chuyện về một nhóm thanh niên 8 người, lao ra giữa tâm bão cứu để người bị mắc kẹt trên biển được nhiều tờ báo chia sẻ.
Anh Nguyễn Bá Luân - Giám đốc một Công ty du lịch ở địa phương, người đứng đầu của nhóm đã sử dụng ca nô lao ra biển giữa lúc đang có gió giật cấp 14 để tìm từng người bị nạn đưa vào bờ. Không phải một lần, mà nhiều lượt vào ra như vậy, cứu được khoảng 200 người.
Bài viết trên báo Lao động
Thế nhưng khi các nhà báo muốn được phỏng vấn thì anh Luân đã từ chối vì cho rằng, "chuyện đó bình thường, ai trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ làm như vậy".
Việc làm của anh Luân và các bạn rất đáng được tôn vinh, bởi trước hiểm nguy, anh và các bạn đã chấp nhận tất cả chỉ với mục đích là: cứu người. Trong thư khen gửi anh Luân và các bạn của anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "hành động cao cả, đáng trân trọng này thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta".
Trong khi hạ du chưa thoát khỏi ngập lụt, tối ngày 8/11, với việc mưa lớn trở lại, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã phải yêu cầu 4 thủy điện xả lũ suốt 48 giờ để kịp đón một trận lũ mới.
Bài viết trên báo Thanh niên
Báo Thanh niên dẫn lời phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xác nhận, việc xả lũ vào thời điểm này là bất khả kháng, nhất là phố cổ Hội An đang tất bận dọn lũ. Trong ngày 12 và 13/11, nếu mưa lớn trở lại thì địa phương phải buộc các hồ thủy điện xả nhanh để tăng dung tích đón lũ.
Theo báo Lao động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ cử ngay các đoàn công tác để chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ. Bà con cần bao nhiêu thì xuất cấp từng đó gạo để hỗ trợ. Các địa phương khẩn trương tổng hợp để tổ chức cấp phát cho người dân.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 (tên quốc tế Damrey) kết hợp với không khí lạnh, một nửa thành phố cổ Hội An đã ngập sâu trong nước. Tuy nhiên chỉ hai ngày sau lũ rút, đô thị đã trở lại nhịp sống bình thường và chuẩn bị đón khách APEC.