Chính phủ họp thường kỳ tháng 5: Lần đầu tiên thảo luận thể chế trước, KTXH sau

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 01/06/2016 10:15 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong phiên họp thường kỳ tháng 5/2016. (Ảnh: VPG/Quang Hiếu)

VTV.vn - Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lần đầu tiên phiên họp thường kỳ của Chính phủ thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế trước khi thảo luận các vấn đề KT-XH.

Trong kỳ họp thường kỳ tháng 5/2016, Chính phủ sẽ dành trọn ngày 1/6 để thảo luận về việc hoàn thiện thể chế với mục tiêu tháo gỡ ngay những rào cản đang cản trở sản xuất kinh doanh. Đây là lần đầu tiên Chính phủ thảo luận vấn đề xây dựng thể chế trong phiên họp thường kỳ trước khi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Phát biểu trước khi Chính phủ thảo luận về tình hình xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực trước và từ ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân và phát triển của đất nước. Muốn đạt được mục tiêu này, Chính phủ phải giải quyết được các điểm "nghẽn" đang cản trở sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, có một câu hỏi chưa được trả lời là tại sao đường lối và phương hướng phát triển tốt nhưng đất nước vẫn chậm phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân là do Chính phủ chưa tạo ra được môi trường phát triển tốt, chưa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có việc chậm ban hành văn bản pháp luật, chậm cải cách hành chính. Trong khi đó, bộ máy cán bộ công chức thiếu cả chuyên nghiệp lẫn đạo đức nghề nghiệp, đi cùng với tính minh bạch và trách nhiệm của người đứng đầu còn hạn chế.

Chính vì vậy, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ dành cả ngày đầu tiên để xây dựng thể chế mà trước hết là kiểm điểm để chỉ ra những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là việc chậm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành các luật và hướng khắc phục. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, hiện Chính phủ còn đang nợ 51 nghị định hướng dẫn thị hành luật. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng cần thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân và giải pháp khắc phục ngay trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước