Công nhân may mặc có nguy cơ thất nghiệp vì robot

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 08/08/2016 09:50 GMT+7

VTV.vn - Trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì robot, đặc biệt là ngành may mặc.

Báo Tuổi trẻ cho hay, chưa năm nào các doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may lại rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng như hiện nay. Lãnh đạo buồn với nỗi buồn không có đơn hàng, người công nhân lại lo nỗi lo bị thất nghiệp bởi robot.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc.

Nhật báo The Guardian của Anh cho hay, dù các sewbots (robot may vá) vẫn chưa xuất hiện ở những nhà máy tại châu Á, nhưng nó đang và sẽ có mặt tại các thị trường châu Âu và Mỹ. Điển hình, một nhà máy của hãng Adidas ở Đức sẽ bắt đầu dùng robot sản xuất giày vào năm 2017, nên họ xác định chỉ cần thuê 160 công nhân. Thông thường, để sản xuất một đôi giày Adidas bởi người lao động như hiện tại sẽ mất 18 tháng từ việc ra ý tưởng đến khi đưa ra kệ bán hàng. Còn với việc sử dụng robot, Adidas đặt ra mục tiêu cắt giảm công đoạn này chỉ còn 5 giờ.

Trong lĩnh vực công nghệ, vào tháng 5 năm nay, nhà máy Foxconn ở Côn Sơn Trung Quốc, chuyên sản xuất các thiết bị công nghệ cho Apple đã sa thải 60.000 nhân viên để thay thế bằng robot.

Với ngành may mặc trong nước, một trong những lý do quan trọng giúp robot được lòng các ông chủ là nó giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động. Robot cũng có thể làm được những nhiệm vụ nguy hiểm như pha trộn chất hóa học, vốn được xem gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của công nhân. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ cần có những giải pháp để đối phó với bài toán trên.

Báo Tuổi trẻ cũng đã đề cập đến 3 giải pháp cho vấn đề này. Giải pháp đưa ra, một là, Việt Nam cần biết những lợi thế so sánh của mình để từ đó phát huy, gia tăng năng suất của lao động. Hai là, cải thiện hệ thống giáo dục, môi trường khoa học, thúc đẩy sáng tạo, nhất là sáng tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cuối cùng là tạo ra những thể chế, chính sách thích hợp hơn.

Có thể thấy, ngành may mặc vốn đa dạng về kiểu dáng, thiết kế nên vẫn cần đến bàn tay cần mẫn và khối óc sáng tạo của những người thợ lành nghề. Tuy nhiên, đứng trước viễn cảnh robot giành mất việc làm của người lao động, chính những người lao động cần phải biết nâng cao năng lực của chính bản thân mình cả về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và thái độ làm việc. Và đó cũng là cách giúp họ không nằm trong 50% dân số bị thất nghiệp bởi robot trong tương lai.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước