174/193 quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế nhà đất, qua đó ngân sách có thêm nguồn thu đáng kể. Ở nhiều nước, thuế này chiếm từ 3 - 4% GDP. Đây là hai lý do cơ bản để Bộ Tài chính đưa ra khi quyết định dự thảo đánh thuế nhà ở.
Tuy nhiên, ngay khi vừa đề xuất, dự thảo này đã vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận. Nhiều người tỏ ý quan ngại vì đề xuất ảnh hưởng đến đa số người dân, đặc biệt là người dân TP.HCM. Với một đô thị lớn, rất khó có những căn nhà dưới 700 triệu đồng. Bên cạnh đó, đề xuất này bị xem sẽ là gánh nặng cho người nghèo, người thu nhập thấp.
Trên thực tế, thuế nhà đất nếu áp dụng sẽ đạt được nhiều mục tiêu như: hạn chế đầu cơ bất động sản, làm suy giảm lợi nhuận của những người "găm" đất, giữ nhà chờ tăng giá, do đó số người "lướt sóng" nhà đất cũng sẽ giảm đi. Mục tiêu tiếp theo là giãn dân bởi khi thuế đánh vào khu trung tâm, nơi có giá trị bất động sản lớn tăng lên, giới đầu tư sẽ không còn chăm chăm đầu tư vào nội thành. Do vậy, nhiều chuyên gia vẫn đồng ý với việc đánh thuế nhà đất, tuy nhiên việc chọn mức sàn 700 triệu đồng là chưa phù hợp.
Theo nhiều chuyên gia, Bộ Tài chính cần điều chỉnh lại thời điểm và mức sàn áp thuế, nếu không mọi đối tượng đều phải chịu thuế, trái với nguyên lý chỉ thu thuế với người có thu nhập cao. Trong bối cảnh thuế nhập khẩu về 0% đối với một số khu vực, nguồn thu ngân sách bị suy giảm, việc Bộ Tài chính tìm nguồn thu mới để bù đắp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thay vì đặt ra các chính sách thuế kiểu tận thu, thiếu nhiều điều kiện áp dụng tại Việt Nam, nên chăng hãy xem lại cách thu tiền thuế của dân sao cho bớt lãng phí và mang lại hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!