Hà Nội là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do bão số 3

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 19/08/2016 22:04 GMT+7

Tại Hà Nội đã xảy ra ngập úng trên nhiều tuyến đường.(Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Tại Hà Nội, bão số 3 khiến trên 130 cây xanh gãy đổ, một số cột điện, cột đèn chiếu sáng bị gãy, gần 20 căn nhà bị hư hỏng và tốc mái.

Cơn bão số 3 được dự báo trước đó với tâm bão chủ yếu là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Thế nhưng, chiều 19/8 bão vào Hà Nội, hoành hành khoảng 30 phút rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Mưa to gây ngập úng, cây đổ, ách tắc các tuyến đường, người bị thương…. Hà Nội là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Do lượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng, tại Hà Nội đã xảy ra úng ngập trên nhiều tuyến đường như: Phạm Văn Đồng, Tân Triều, Ngọc Hồi, Phùng Khoang, Quan Nhân... có những đoạn ngập nửa mét. Một số vị trí khác như: ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, Phan Văn Trường, Minh Khai có hiện tượng dềnh nước cục bộ.

Trưa 19/8, hầu hết các trường mầm non, tiểu học đã phải thông báo cho phụ huynh đón con về, nhiều công sở cũng khuyến cáo nhân viên thu xếp công việc để có thể di chuyển về nhà an toàn.

Sức gió mạnh nhất cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 8-9 kèm mưa to suốt nhiều giờ đồng hồ đã ảnh hưởng khiến 3 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng. Trên 130 cây xanh gãy đổ, một số cột điện, cột đèn chiếu sáng bị gãy, gần 20 căn nhà bị hư hỏng và tốc mái, 7 ô tô và xe máy bị cây hư hỏng do cây đè. Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động trên 700 cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn, giải tỏa cây đổ, phân luồng giao thông.

Chiều 19/8, Bí thư và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp trực tuyến với toàn bộ các sở ngành, quận huyện, thị xã để ứng phó với bão số 3. Cũng trong buổi chiều, UBND TP Hà Nội lần đầu tiên đưa ra khuyến cáo với người dân thông qua hệ thống tin nhắn: "Không nên ra đường hoặc ra vào các khu vực công trường xây dựng trên địa bàn thành phố, tránh cây đổ và vật liệu xây dựng rơi, nguy hiểm đến tính mạng".

Tại Hải Phòng cũng đã có mưa lớn, gió mạnh chỉ trong vòng nửa tiếng từ 15h, sau đó qua rất nhanh, không gây thiệt hại về người và của. Để chủ động phòng chống bão, thành phố Hải Phòng đã di dời hơn 11.000 người đến nơi tránh bão an toàn. Ngoài các vật tư, phương tiện, hơn 38.000 người đã được huy động sẵn sàng xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tại Thái Bình gió khoảng cấp 6 và cũng gây thiệt hại. Trước đó, Thái Bình cũng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động vận hành hệ thống cống tiêu thoát nước kịp thời. Điện lực Thái Bình huy động 100% cán bộ công nhân kiểm tra toàn bộ hệ thống đường dây trung, hạ áp, đường dây cấp điện cho các trạm bơm.

Tại Nam Định, chiều nay có gió khoảng cấp 7, cấp 8, mưa nhẹ và cũng không thiệt hại gì về người và của.

Tại Quảng Ninh mưa bão đã khiến một số nhà bị tốc mái, sập một số mái nhà không kiên cố, khoảng 5ha hoa màu ngập cục bộ, tàu bè an toàn, ngành than hoạt động bình thường. Tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục duy trì trực 24h/24h để ứng phó với mưa sau bão.

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các địa phương như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định không có thiệt hại lớn.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước