Học sinh phạm lỗi, xử phạt như thế nào cho đúng?

VTV News-Thứ bảy, ngày 23/05/2020 10:35 GMT+7

Học sinh lớp 3 ở Hải Phòng bị cô giáo phạt súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng. Vụ việc xảy ra vào tháng 4/2018. (Ảnh: CTV)

VTV.vn - Không ít các vụ xử phạt học sinh theo cách chẳng giống ai đã và đang khiến khiến dư luận bức xúc. Đâu mới là hình thức đúng mực nhất trong câu chuyện này?

Vụ học sinh lớp 1 bị phạt vì đi học sớm: giáo viên và phụ huynh đều nhận lỗi

Đi học quá sớm, học sinh lớp 1 bị phạt đứng bêu nắng giữa trưa - đây là sự việc được một phụ huynh ở Hải Phòng phản ánh và lập tức nhận được những bình luận gay gắt từ cộng đồng mạng.

Theo phản ánh của vị phụ huynh này - chị Mai Thị M., trường Tiểu học Quang Trung có thông báo học sinh không ăn bán trú 13h30 mới phải có mặt. Do phải đi làm sớm nên buổi học chiều 19/5, chị M. đưa con đến trường lúc 13h15. Sau đó, con chị và một số bạn không ăn bán trú đến trường sớm đã bị cô giáo phê bình và chụp ảnh gửi lên nhóm Zalo chung của lớp.

Tiếp đó, đến buổi học chiều hôm sau, vì công việc, chị M. vẫn phải chở con đi học sớm, dặn con ngồi gốc cây chờ đến khi các bạn trong lớp dậy thì vào lớp. Ít phút sau, chị M. quay lại thì thấy con đứng ngoài cổng trường. Cháu bé giải thích các anh chị Sao Đỏ nhắc phải vào lớp ngồi, cháu sợ ảnh hưởng đến các bạn khác nên đã ra ngoài cổng trường.

Học sinh phạm lỗi, xử phạt như thế nào cho đúng? - Ảnh 1.

Chiều 21/5, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quang Trung (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền) về sự việc này. Theo kết luận được đưa ra sau buổi làm việc, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đều nhận lỗi đã không linh hoạt và nóng vội trong trao đổi thông tin, dẫn đến hiểu lầm. Phụ huynh học sinh cũng xin lỗi nhà trường, cô chủ nhiệm lớp 1A về việc đưa thông tin vội vàng lên mạng xã hội.

Còn tại Thanh Hóa, một phụ huynh đã lên tiếng tố thầy giáo dạy thể dục đánh con mình nhập viện. Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thơm, là mẹ của học sinh Lê Phước Duy, lớp 7B, Trường THCS Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa): Vào khoảng 10h ngày 15/5, trong giờ học Thể dục do thầy giáo Nguyễn Văn Quân phụ trách, em D. đã bị thầy Quân chửi bới, đánh đập dẫn đến việc bị ngất tại trường và sau đó đã được Ban giám hiệu nhà trường đưa đi cấp cứu.

Xử phạt học sinh phạm lỗi như thế nào cho phù hợp?

Nhìn lại những năm trước, cũng có không ít vụ xử phạt học sinh khiến dư luận xôn xao.

Tháng 11/2019, một học sinh lớp 8 ở TP.HCM phải xin lỗi trước toàn trường vì đã xúc phạm một nhóm nhạc trên mạng xã hội. Đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, được nhà trường ghi lại và đưa lên mạng xã hội Facebook, đình chỉ học tập trong 4 ngày, hạ bậc hạnh kiểm loại yếu hoặc trung bình trong học kỳ 1 là hình phạt mà học sinh này phải nhận.

Tại trường THCS Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), vào tháng 5/2019, một học sinh lớp 6 do vào lớp không thuộc bài môn Anh Văn đã bị cô giáo Đinh Duyên Hồng Yến phạt đứng lên, ngồi xuống 200 lần. Học sinh này thực hiện trên 100 lượt thì ngã quỵ. Sau đó, em này phải nhập viện điều trị với chẩn đoán "Chấn thương phần mềm đùi trái".

Tháng 12/2018, cũng có một vụ xử phạt học sinh gây phẫn nộ. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5 trường tiểu học Quang Trung (Đống Đa - Hà Nội) đã yêu cầu các bạn trong lớp tát một học sinh khác 50 cái vì học sinh này đã nói chuyện trong lúc cô giáo giảng bài. Sau khi tát 20 cái, học sinh bị phạt đã khóc lớn nên cô giáo đã yêu cầu dừng tát. Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung sau đó đã gửi lời xin lỗi tới học sinh và phụ huynh.

Trước đó, tháng 11/2018, tại trường THCS xã Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), một giáo viên lớp 6 đã phạt học sinh bằng cách bắt các bạn cùng lớp tát học sinh này liên tiếp 231 cái vì lý do nói tục ngoài sân trường, khiến học sinh phải nhập viện. Nguyên nhân gây nên sự việc này cũng bởi một phần do giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy chịu áp lực cao về thành tích thi đua của lớp.

Học sinh phạm lỗi, xử phạt như thế nào cho đúng? - Ảnh 2.

Theo quy định của trường này, dưới sự giám sát của đội cờ đỏ, mỗi em học sinh nói tục chửi bậy, thì tập thể lớp đó sẽ bị trừ 5 điểm trong tổng số thang điểm là 100. Và lớp 6/2 mà cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy phụ trách thường xuyên rơi vào top những lớp có điểm số thi đua thấp nhất.

Ngày 5/1/2019, Công an huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Phương Thủy về tội hành hạ người khác quy định tại khoản 2 điều 140 BLHS; đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày 28/12/2018 - 26/1/2019; giao cho chính quyền xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) quản lý, theo dõi.

Một vụ việc gây phẫn nộ khác là vào tháng 4/2018, một cô giáo dạy lớp 3 tại trường Tiểu học An Đồng (TP Hải Phòng) phạt học sinh theo cách súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng vì lý do nói chuyện riêng trong lớp. Chiều 5/4, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Đồng cho biết nhà trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cô giáo này.

Những vụ việc đau lòng, thậm chí gây chấn động ngành giáo dục, kể trên khiến nhiều người đặt câu hỏi: Khi học sinh phạm lỗi, đâu mới là hình thức xử phạt phù hợp nhất?

Quý vị hãy bày tỏ quan điểm của mình bằng cách bình luận ngay dưới bài viết này và đón xem các ý kiến liên quan trong bản tin Chuyển động 24h phát sóng trên kênh VTV1!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước