Khi người dân không muốn... thoát nghèo

Liên Liên-Thứ ba, ngày 04/12/2012 14:19 GMT+7

Nhận nhà mới, song nhiều hộ vẫn không muốn thoát nghèo. Ảnh: VTV

Cách đây ba tháng, tại xã Thèn Sin 2, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã xảy ra vụ giết người chỉ vì hằn học với Trưởng bản do không được xét đưa vào danh sách hộ nghèo. May mắn, vợ Trưởng bản là nạn nhân đã thoát chết. Danh hiệu hộ nghèo đang trở nên đắt giá ở vùng quê heo hút này...

Hướng đến người nghèo, chung tay vì người nghèo là nghĩa cử cao đẹp đã được nhân rộng trong cộng đồng dân cư hiện nay. Nhờ đó, người nghèo, hộ nghèo đã nhận được sự quan tâm thiết thực như: Được hỗ trợ xây nhà, thiếu ăn được cấp gạo, đau ốm có bảo hiểm y tế, không phải nộp tiền điện... Thế nhưng, khi sự giúp đỡ này trở thành mục tiêu quốc gia trong giảm nghèo bền vững thì đã nảy sinh một thực trạng, danh hiệu "hộ nghèo" trở thành mục tiêu chạy đua để giành lợi ích giữa nhiều cá nhân, tổ chức.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012, cả nước chỉ đạt khoảng 1,3% so với mục tiêu đề ra là giảm 2% hộ nghèo. Như vậy, kết quả chỉ mới đạt được hơn một nửa so với kế hoạch, đó là do chính sách thoát nghèo không phù hợp, hay do người dân không chịu thoát nghèo.

Gia đình anh Lò Văn Đăm, xã Ta Gia, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có xe máy, 2 con trâu, tivi và đặc biệt là căn nhà trị giá gần 100 triệu đồng được dựng cách đây gần 1 năm. Sau 8 năm thuộc hộ nghèo, năm nay, xã Ta Gia đưa gia đình anh vào danh sách thoát nghèo, tuy nhiên anh Đăm lại không đồng ý vì cho rằng gia đình mình vẫn còn nghèo.

Được hỏi: “Vì sao anh nghĩ gia đình mình vẫn còn nghèo?”, anh Lò Văn Đăm nói: “Tôi thấy nhà nghèo vì nhà còn thiếu tủ, thiếu bàn…”

Mặc dù, điều kiện cuộc sống của nhiều gia đình ở đây đã được cải thiện, tuy nhiên, với suy nghĩ không được hỗ trợ của Nhà nước nữa nên hầu hết người dân không muốn mất danh hiệu hộ nghèo. Thực tế còn tồn tại tình trạng nhiều hộ nghèo với tâm lý ỷ lại, không chịu lao động vì cho rằng, mọi thứ đã có Nhà nước lo.

Theo anh Vàng Văn Năm, Trưởng bản Thèn Sin 2, Tam Đường, Lai Châu: “Việc xét hộ nghèo mỗi năm có hai lần, phải chờ đến cuối năm cả bản họp xét mới xét được, người dân không hiểu cứ đòi xét luôn…”.

Việc xây nhà, trợ cấp gạo và bảo đảm quyền lợi của người nghèo thông qua những chính sách an sinh xã hội là chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, tuy nhiên qua thực tế triển khai tại địa phương cho thấy, đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Trước những bất cập hiện nay, một số địa phương đang thực hiện chính sách thay vì hỗ trợ hoàn toàn cho người nghèo, thì nay hỗ trợ cho một nhóm bao gồm cả hộ trung bình và hộ nghèo, để từ đó tạo ra những điều kiện thúc đẩy người nghèo tự cố gắng vươn lên.

Mặc dù đã có những bước đổi mới như để người dân tự lựa chọn nuôi trồng, được hướng dẫn thường xuyên từ kinh nghiệm của những hộ trung bình, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, thì đây vẫn chưa phải giải pháp thoát nghèo bền vững.

“Giải pháp này chỉ là trước mắt, chứ về lâu về dài thì không được do làm như vậy là nhỏ lẻ, không đồng bộ. Theo tôi là phải quy hoạch vùng, hiện Lai Châu đang làm quy hoạch về cây cao su…”- ông Vương Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết.

Từ nghèo, người dân nhận được sự trợ giúp của khoảng 30 chính sách khác nhau, bước sang cận nghèo chỉ còn vài chính sách, và thực tế khi không còn sự hỗ trợ nào thì nhiều hộ nghèo không đủ sức bước tiếp một đoạn đường nữa để thoát nghèo bền vững...

Được đầu tư, được hỗ trợ, được đào tạo kiến thức về nuôi trồng để làm ăn, nhưng nếu như tâm lý của người dân ỷ lại, lười lao động thì những giải pháp thoát nghèo của địa phương khó có thể thành công như mong muốn. Bản chất của thoát nghèo không chỉ thể hiện qua những con số hàng năm tăng hay giảm, mà thực tế cuộc sống của người dân. Chỉ khi người dân tự quyết định con đường thoát nghèo của mình, cùng với sự giám sát chặt chẽ của địa phương, thì ngân sách Nhà nước sẽ không phải gồng mình chi trả cho những danh hiệu hộ nghèo như hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước