Lượng khách đi xe bus giảm và lời giải cho bài toán tắc đường

Thùy An-Chủ nhật, ngày 23/10/2016 17:18 GMT+7

VTV.vn - Xe bus là một trong những phương tiện quan trọng để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Song hiện không ít người lại có xu hướng quay lưng với loại phương tiện này.

Theo kinh nghiệm tại đô thị lớn trên thế giới, cùng với hệ thống tầu điện ngầm, đường sắt đô thị (metro) thì việc vận tải hành khách công cộng bằng xe bus với sức chứa lớn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhưng thực tế tại các đô thị lớn của nước ta như Hà Nội, TP.HCM, vấn đề này hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Lượng khách đi xe bus ngày một giảm

Tầm quan trọng của xe bus trong hệ thống giao thông công cộng không phải là bàn cãi. Tuy nhiên một điều khá nghịch lý lại đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội cũng như TP.HCM là việc lượng khách sử dụng loại phương tiện này có xu hướng giảm, liên tục trong vài năm trở lại đây.

Thống kê cho thấy, tại Hà Nội, trong năm 2014, xe bus đạt sản lượng vận tải gần 470 triệu lượt khách, năm 2015 chỉ còn khoảng 430 triệu lượt khách và 7 tháng đầu năm 2016 đã giảm 9,5%. Tương tự tại TP.HCM, trong năm 2013, sản lượng vận tải của hệ thống xe bus thành phố là 411,2 triệu lượt, năm 2014 là 367 triệu lượt khách, năm 2015 là 334,5 triệu lượt hành khách.

Lượng khách đi xe bus giảm và lời giải cho bài toán tắc đường - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP.Hà Nội

Bên cạnh một số lý do khách quan, ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP.Hà Nội cho biết, chính sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ gây ra tình trạng ùn tắc, rối loạn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt của người dân chính là nguyên nhân khiến nhiều người quay lưng lại với xe bus trong một vài năm trở lại đây.

"Tại Hà Nội, do thành phố tập trung xây dựng một số tuyến cho vận tải công cộng (đường sắt trên cao) nên đã dẫn tới tình trạng ùn tắc. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến khả năng vận tải của xe bus khi nhiều người quay trở lại với phương tiện cá nhân có khả năng cơ động cao hơn", ông Thông cho biết.

Ngoài ra, ông Thông nhận định sự phát triển của các loại hình mới như Uber, Grab, xe đạp điện… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng vận tải của xe bus.

Sự quay lưng của nhiều người với xe bus để trở lại phương tiện cá nhân, đã và đang đặt ra vấn đề hóc búa cho các cơ quan chức năng trong bài toán giải quyết tình trạng ùn tắc. Bởi theo nguyên tắc, hệ thống giao thông công cộng trong đó có xe bus là chìa khóa giải quyết tình trạng ùn tắc ở các đô thị lớn.

Làm gì để người dân không "quay lưng" lại giao thông công cộng?

Để thay đổi thói quen sử dụng, hạn chế phương tiện cá nhân để chuyển sang phương tiện công của người dân không phải là việc làm một sớm một chiều. Tuy nhiên theo ông Thông, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu quyết liệt và kiên trì thực hiện các nhóm giải pháp trong một thời gian dài.

Các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố cũng đã được đề ra như phân luồng xe và hạn chế phạm vi hoạt động, tăng chi phí cho việc đi lại của phương tiên ở các khu vực có mật độ giao thông cao và khả năng ách tắc lớn…

Theo quan điểm của ông Thông, hệ thống vận tải hành khách công cộng phải thật sự phát triển, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và để đạt được điều đó, cần có sự nhất quán đồng thuận trong quản lý điều hành, cùng hệ thống chính sách ưu tiên cho sự phát triển vận tải hành khách công cộng.

Lượng khách đi xe bus giảm và lời giải cho bài toán tắc đường - Ảnh 2.

Tình trạng ùn tắc kéo dài trong thời gian qua được cho là nguyên nhân khiến không ít người quay lưng lại với xe bus

Các nhà quy hoạch cần phải phân bổ mạng lưới giao thông công cộng, đặc biệt là mạng lưới tuyến bus và hạ tầng trên tuyến một cách hợp lý, thuận tiện đối với khách hàng. Trong đó yếu tố phủ khắp, kết nối liên thông giữa các tuyến, các khu dân cư, các khu công nghiệp, các vùng của thành phố, đặc biệt trong vùng Vành đai 3 là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách ưu tiên hơn cho hạ tầng giao thông công cộng, khuyến khích được doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng và số lượng chuyến đi của hành khách.

Các đơn vị vận tải hành khách công cộng cũng cần nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, khả năng quản trị và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành phương tiện và chăm sóc khách hàng.

- Cách đây ít ngày, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân tại khu vực ngoại thành Hà Nội, Tổng Công ty vận tải Hà Nội Transerco đã khai trương và đưa vào vận hành chính thức 2 tuyến xe bus 87 (BX Mỹ Đình - Quốc Oai - Xuân Mai ) và tuyến 88 (BX Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai).

- 2 tuyến bus số 86, 87 sẽ có thời gian giãn cách chạy xe 20-30 phút/lượt, vận hành 85-86 lượt xe/ngày, thời gian hoạt động từ 5h00 - 19h45, giá vé lượt 9.000 VNĐ/hành khách, giá vé tháng thực hiện theo quy định như các tuyến bus có trợ giá khác của Thành phố.

- Trước đó, vào đầu tháng 9 vừa qua, Transerco đã đưa vào hoạt động 2 tuyến bus 84 (Khu đô thị Mỹ Đình – Khu đô thị Linh Đàm) và 85 (Công viên Nghĩa Đô – Khu đô thị Văn Phú).

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước