Mỗi tuần Hà Nội có thêm 600-700 ca mắc sốt xuất huyết

Minh Đức-Thứ hai, ngày 25/11/2019 14:31 GMT+7

VTV.vn - Từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã giảm xuống còn 600-700 ca/tuần so với trên 800 ca/tuần lúc cao điểm.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, tính đến ngày 23/11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong tháng 10, trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận hơn 800 ca sốt xuất huyết thì từ đầu tháng 11 đến nay đã giảm xuống còn 600-700 ca/tuần. Tuy đã được khống chế nhưng hiện số ca mắc SXH vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, thông tin từ một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng cho thấy, dù số bệnh nhân SXH vào điều trị 3 tuần gần đây đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ bất thường.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai trong mùa dịch SXH năm nay, tỷ lệ người cao tuổi, phụ nữ có thai mắc bệnh nhiều hơn, nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng, như: Sốc, chảy máu, viêm não - màng não, viêm tủy, viêm cơ tim, tổn thương gan, thận...

Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đặt mục tiêu hết tháng 11/2019 khống chế xong dịch bệnh SXH. Tuy vậy, không có nghĩa khi số mắc SXH đã giảm thì được phép chủ quan. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện nay đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vì thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn rất chủ quan với bệnh dịch này, thậm chí nhiều hộ dân còn chống đối, không hợp tác với cơ quan chuyên môn tiến hành phun thuốc, hóa chất diệt muỗi phòng SXH. Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã vận động, yêu cầu các hộ gia đình hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch, cương quyết xử lý những trường hợp chống đối.

Vì thế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tiếp tục kiểm tra vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH tại các công trường xây dựng, chợ, trường học, khu công cộng, khu thuê trọ…; tuyên truyền biện pháp phòng bệnh. Cùng đó, cần tiếp tục duy trì cảnh báo nguy cơ dịch hằng tuần. Người dân cũng cần chủ động phòng chống bệnh bằng cách loại bỏ khu vực muỗi sinh sôi, mắc màn khi ngủ và không chủ quan khi có dấu hiệu bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước