NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Ngày quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức vào những năm 1880, theo lịch sử được đăng tải trên trang web "Industrial Workers of the World" (Công nhân công nghiệp thế giới).
Năm 1883, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ".
Do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, từ ngày 1/5 đến ngày 4/5/1886 giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia đình công nhằm gây áp lực đòi giảm giờ làm việc. Đầu tiên cuộc đình công diễn ra tại Chicago. Khoảng 40 nghìn công nhân không đến nhà máy. 250 nghìn người xuống đường tổ chức mít-tinh, biểu tình với biểu ngữ "Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!". Cũng trong ngày hôm đó, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5000 cuộc bãi công với hơn 340.000 công nhân tham gia. Ở Washington D.C, New York, Baltimore, Boston...hơn 125.000 công nhân đã giành được quyền chỉ làm 8 giờ một ngày.
"Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!". Nguồn: Recardo Levins Morales
Những cuộc biểu tình diễn ra ngày càng quyết liệt, xung đột xảy ra dữ dội, giới chủ đã kết hợp với cảnh sát trả đũa bằng cách bắn những công nhân khiến nhiều người bị thương và đã chết, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt gây nên sự kiện thảm sát lao động Chicago ngày 4/5/1886, hay còn gọi là vụ Haymarket. Cuối cùng, giới chủ buộc phải chấp nhận yêu cầu của công nhân.
Vụ thảm sát "Haymarket". Nguồn: Getty Images
Từ ngày 20/6/1889, ba năm sau "thảm kịch" tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản II nhóm họp tại Paris (Pháp). Dước sự lãnh đạo của Frederic Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp công nhân thế giới.
QUỐC TẾ LAO ĐỘNG Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức Ngày quốc tế lao động vào ngày 1 tháng 5, tuy nhiên cũng có khác biệt tại một số quốc gia.
Tại Mỹ
Mặc dù ngày Quốc tế lao động bắt nguồn từ Chicago (Mỹ) nhưng ở Mỹ thường chỉ được gọi là Ngày Lao động, được tổ chức vào ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Chín mỗi năm sau khi trở thành một ngày lễ chính thức liên bang vào năm 1894. Tuy nhiên để kỷ niệm sự kiện tháng 1/1884, Đại hội liên đoàn Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ:"..Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ/ngày" nên hàng năm cứ vào 1/5 hợp đồng mới giữa người chủ và người lao động thường được ký kết và người dân trên toàn nước Mỹ thường tổ chức diễu hành quy mô lớn.
Tại Canada
Người dân Quebec tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động vào ngày 29/4 hàng năm. Hàng ngàn người tuần hành trên đại lộ Viau, sau đó đổ về công viên Maisonneuve nghe đọc diễn văn và xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Tại Australia
Ngày Quốc tế lao động tại Úc.
Tại xứ sở của những chú Kangaroo, ngày Quốc tế lao động thay đổi theo từng vùng. Vào ngày 1/5, chỉ một số Nghiệp đoàn của Đảng Xã hội và Cộng Sản tổ chức kỷ niệm trọng thể cho công nhân và người lao động. Còn ở miền Tây, người dân lại lấy ngày 4/3 để nghỉ ngơi, vui chơi. Còn vùng Queensland và miền Bắc lại chọn ngày 6/5. Thủ phủ Canberra, Sydney và miền Nam Australia thì lấy ngày 7/10.
Tại Nhật Bản
Nhật Bản không kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên của tháng 5, mọi người có thể được nghỉ làm và tổ chức các lễ hội.
NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.
Trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 phần lớn phải tổ chức bí mất bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tâng lớp nhân dân tham gia.
Đặc biệt ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khi Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới; thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo…Đây là cuộc mít-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Ngày nay, ngày Quốc tế lao động đã trở thành ngày hội lớn của hai giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đây cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!