Nhìn lại những vụ phá rừng nổi cộm thời gian qua: Cơ chế bảo vệ rừng còn lỗ hổng

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 04/12/2017 21:58 GMT+7

VTV.vn - Thực trạng "chảy máu rừng" cho thấy: công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong 3 quý đầu năm nay, trên cả nước đã xảy ra gần 1.700 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị thiệt hại là 910 ha . Riêng khu vực Tây Nguyên đã có khoảng 13% diện tích rừng bị thiệt hại. Tình trạng "chảy máu rừng" tại một số khu vực vẫn tiếp diễn dù Thủ tướng Chính phủ đã chủ trương thực thi "Đóng cửa rừng tự nhiên". Thực trạng này cho thấy: công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Hơn 260 m3 gỗ , tương đương gần 36 cây gỗ nghiến cổ thụ đã bị các đối tượng lâm tặc chặt hạ trái phép tại Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn trong những tháng đầu năm nay. Đáng lưu ý, đây là khu vực trọng điểm về phá rừng đã được tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này, vậy nhưng việc phá rừng trái phép vẫn cứ tiếp diễn. Đây là vấn đề khiến địa phương này hết sức trăn trở bởi Vườn quốc gia Ba Bể hiện có 8 xã nằm trong vùng lõi và vùng đệm. Riêng xã Nam Mẫu có đến 45 % dân số là hộ nghèo.

Còn tại các tỉnh Tây Nguyên, tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Tại tỉnh Đắc Nông, một nghịch lý đang xảy ra, đó là một số DN được giao giữ rừng lại tiếp tay hoặc chính là thủ phạm phá rừng. Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn được giao quản lý 30 ngàn héc ta rừng từ năm 1998. Mới đây, qua kiểm tra thực tế, diện tích rừng chỉ còn hơn 7 ngàn héc ta - nghĩa là có đến ¾ diện tích rừng đã mất.

Mới đây, Đắk Nông đã giải thể 6 Công ty lâm nghiệp nhà nước, ít nhất 10 cán bộ chủ chốt của các công ty này vừa bị khởi tố và bắt tạm giam. Nhiều diện tích rừng của các công ty bị giải thể được giao về cho địa phương quản lý. Thế nhưng chính quyền một số địa phương cho rằng, họ không đủ lực lượng để giữ rừng, có thể khiến tình trạng phá rừng tái diễn.

Theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm chính trong quản lý bảo vệ rừng thuộc về chủ rừng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, còn cơ quan kiểm lâm chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Luật đã quy định rất rõ, nhưng trên thực tế đã không được các đầu mối liên quan thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, đang khiến cho rừng ở nhiều khu vực trên cả nước bị tàn phá không thương tiếc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước