Sốt đất ở những nơi dự kiến thành đặc khu kinh tế: Do giao dịch ngầm

PV-Thứ hai, ngày 04/06/2018 20:47 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dù đã có biện pháp phòng ngừa cơn sốt đất ở những nơi dự kiến thành đặc khu kinh tế, nhưng thực tế người dân có nhiều biện pháp giao dịch ngầm

Trong phiên trả lời chất vấn chiều 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận được câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về hiện tượng đầu cơ đất đai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) - 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế.

"Thời gian qua đất đai tại các khu dự kiến thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc có diễn biến rất phức tạp, giá đất tăng nóng, diễn biến sôi động. Bộ trưởng có biết vấn đề này không? Bộ trưởng và địa phương sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?", đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận trong vấn đề quản lý đất đai, tầm nhìn của cơ quan quản lý còn hạn chế.

"Khi chúng ta đầu tư hạ tầng vào khu vực nào thì theo quy luật, thị trường sẽ đổ xô vào đó, giá cả đất đai sẽ thay đổi. Chúng ta biết được nhưng chưa có cách để phòng ngừa thay vì biện pháp hành chính", Bộ trưởng nói.

"Tôi lấy ví dụ, khi có cự án xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai), Đồng Nai đã ban hành quy định về quản lý đất đai như cấm giao dịch nhưng người dân vẫn giao dịch ngầm, một trong số đó là người bán ủy quyền cho người mua…" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Vị đứng đầu ngành tài nguyên kiến nghị việc đưa ra chỉ thị về tình hình sốt đất ở 3 địa phương có đặc khu là đúng, nhưng hình thức ban hành chỉ thị là không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo ông, muốn quản lý khả thi phải có cơ chế, quy chế đặc biệt, như ban hành Nghị quyết của Quốc hội. Quan trọng hơn, phải tính toán trong Luật sở hữu đất đai để tiên lượng được các vấn đề như đại biểu nêu.

"Vấn đề sốt đất tại các đặc khu là đương nhiên nhưng nghiêm trọng hơn là chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp trái phép. Việc này được thực hiện ngầm và trái với quy định của pháp luật".

"Chúng ta có thể thấy, trình độ, năng lực, tính nhạy cảm của cơ quan quản lý chưa kịp thời. Chúng ta phải thông báo đối với hợp đồng trái pháp luật này, khi đền bù, giải tỏa sẽ áp dụng biện pháp nào để xử lý công bằng, để những nhà đầu cơ không có đất ở đây. Đặc biệt, tôi cho rằng lúc này, địa phương tại các đặc khu phải tập trung xem hồ sơ đất đai để quản lý hiện trạng trước khi thực hiện đền bù. Như vậy, sẽ đảm bảo người dân, người đến khai hoang xứng đáng được hưởng, còn người đầu cơ không được hưởng" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Thực hư chiêu thức “thổi” giá của môi giới nhà đất tại TP.HCM Thực hư chiêu thức “thổi” giá của môi giới nhà đất tại TP.HCM

VTV.vn - Thời gian gần đây, giá đất nền tại TP.HCM tăng chóng mặt, tạo thành cơn sốt đất lan rộng khắp các quận, huyện.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước