Thủ tướng: Nghiên cứu khoa học phải lắng nghe "hơi thở cuộc sống"

Trung Kiên (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 04/01/2017 20:39 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà khoa học phải bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì.

Sáng 4/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chủ đề "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội".

Đây là lần thứ ba trong hơn một tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc nói chuyện với giới khoa học trong cả nước để tìm cách đưa khoa học và công nghệ phục vụ được và trở thành động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Là bộ liên quan trực tiếp tới sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau nên lãnh đạo của nhiều bộ đã được mời để cùng tìm giải pháp về cơ chế chính sách, thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển.

Một điểm chung về cơ chế chính sách được nhiều bộ cùng chỉ ra đó là cơ chế tài chính. Cơ chế này đã khiến các nhà khoa học mất nhiều thời gian để hợp pháp hóa chứng từ hơn là nghiên cứu. Vì thế, cần phải theo cơ chế đặt hàng và khoán nghiên cứu đề tài hoặc hãy coi nghiên cứu khoa học, công nghệ là đầu tư mạo hiểm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sự phát triển chưa đúng theo yêu cầu của khoa học, công nghệ không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của Nhà nước. Do đó, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy và sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài. Bởi ngày xưa, Bác Hồ đã làm được thì trong thế giới phẳng và hòa bình như ngày nay thì con cháu của Bác cũng phải làm được. Điều quan trọng nhất là phải đổi mới với tinh thần chung là giải phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo.

Thủ tướng: Nghiên cứu khoa học phải lắng nghe hơi thở cuộc sống - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ông luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc. Đồng thời yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo, sử dụng tối ưu nhằm không để tình trạng ai cũng học tin học, kế toán còn khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên thì ít có người học. 

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà khoa học phải bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt "3 nhà" nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất, chứ khoa học công nghệ ở giữa trời thì làm sao biết đời sống của người sản xuất ra sao.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu khoa học phải gắn với thị trường, chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Vì thế, cán bộ khoa học công nghệ đã giỏi chuyên môn nhưng còn phải biết về kinh tế, để vận dụng vào kinh tế, vào đời sống và phải có thực tiễn. Bên cạnh đó, cần cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau. Thủ tướng cho rằng, toàn cầu hóa là cơ hội to lớn, nếu bỏ lỡ thì Việt Nam sẽ bị tụt lại xa hơn, do vậy cần phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ.

Thủ tướng đã nhắc lại lời dạy của Bác Hồ năm 1963, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị đó là  khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Các tổ chức khoa học và nhà khoa học phải lăn lộn trong thực tiễn, quan hệ chặt chẽ với các xí nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, phải biết công nhân, nông dân yêu cầu gì, học làm ăn và sinh sống như thế nào, họ cần được giúp đỡ, chuyển giao, phổ biến những tiến bộ khoa học công nghệ như thế nào. Thủ tướng mong muốn, ngành khoa học công nghệ khắc phục các hạn chế, yếu kém, phấn đấu đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển đất nước .

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước