Tiêu hủy 20.000 viên thuốc ung thư: Trách nhiệm do ai?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 07/05/2017 10:46 GMT+7

VTV.vn - Việc tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc ung thư, gây lãng phí lớn là do sự rườm rà trong thủ tục hay do sự tắc trách của một số cá nhân, đơn vị?

Gần 20.000 viên thuốc tài trợ đặc trị chữa bệnh ung thư tồn kho vì hết hạn sử dụng trong khi người bệnh không có thuốc để chữa là một vấn đề nhận được sự chú ý của dư luận trong tuần qua. Sự việc này diễn ra từ năm 2015 nhưng đến tuần vừa rồi mới được biết đến rộng rãi khi Thanh tra TP.HCM công bố kết quả kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. HCM.

Kết quả cho thấy, bệnh viện này đang tồn kho gần 20.000 viên thuốc Tasigna 200mg hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài, mỗi viên có giá khoảng 700.000 đồng. Quá đau xót cho người bệnh là nhận định của nhiều tờ báo ra tuần qua.

700.000 đồng/viên thuốc. 14.000 viên là gần 14 tỷ đồng. Với số lượng thuốc giá trị như vậy, tại sao lại có thể để hết hạn? Tại sao là câu hỏi mà dư luận đều mong tìm được câu trả lời. Và câu trả lời được quy về một điểm: Do thủ tục quá nhiêu khê!

Theo tờ SGGP, thủ tục nhập thuốc viện trợ đang trải qua quá nhiều bước nhiêu khê, từ gửi Cục Quản lý Dược phê duyệt, sau đó gửi Sở y tế xin chấp thuận, Sở y tế lại gửi công văn cho Hội Liên Hiệp thông qua, rồi lại gửi UBND TP chấp thuận. Khi thuốc về đến cửa khẩu, phải xin Sở Tài chính cho nhập hàng và làm thủ tục với Hải quan. Cuối cùng Sở Tài chính được mời xuống hải quan để kiểm tra lô thuốc. Hoàn thành các thủ tục trên, thuốc mới về tới tay bệnh nhân.

Một chuyên gia nhận định trên tờ Lao động: "Đối với các loại thuốc đã lưu hành lâu tại Việt Nam, nếu các khâu đều trơn tru thì nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng, mà bệnh viện bám sát từng khâu mới được như vậy. Chứ còn vướng một vài khâu, thì 5, 6 tháng là chuyện thường".

Hậu quả đã nhìn thấy ngay ở vụ việc 20.000 viên thuốc chữa ung thư khi mọi khâu xin phép và cập phép đều mất đến 3 tháng. Có người nói rằng vì đây là loại thuốc viện trợ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam nên mới mất thời gian như vậy. Tuy nhiên, lý giải này có thuyết phục được những bệnh nhân và người nhà của họ?

Bất cứ loại thuốc nào cũng có hạn sử dụng, và với những loại thuốc hạn sử dụng chỉ có 2 năm, ở bất cứ khâu nào cũng rề rà thủ tục đến 3, 4 tháng thì những người có chức trách có nghĩ đến những người bệnh đang bị hành hạ bởi căn bệnh quái ác và sinh mệnh có thể tính theo ngày hay không? Điều khó hiểu là trong thời đại kỹ thuật số, mọi thủ tục đang được đơn giản hóa đến mức tính theo giờ mà lại đang có những thủ tục liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người lại đang được tiến hành với tốc độ "rùa bò" như vậy. Vậy thì nguyên nhân là do thủ tục rườm rà hay do tắc trách? 

Trả lời câu hỏi này: Tờ Tiền Phong nhận định mặc dù các đơn vị liên quan đều viện dẫn nhiều lý do để khẳng định mình làm đúng các thủ tục nhưng những bằng chứng đưa ra cho thấy đã có sự tắc trách từ nhiều phía.

Đầu tiên là từ khâu dự trù của Bệnh viện Huyết học truyền máu có vấn đề. Dự trù sai từ đầu nên gây lãng phí. Tiếp đó là sự tắc trách của đơn vị chủ quản là Sở Y tế TP.HCM: Tại sao 3 tháng mới trả lời bệnh viện? Rồi Liên Hiệp các Tổ chức hữu nghị TP.HCM lại tiếp tục "ngâm" đề xuất đến 3 tháng nữa. Rồi khi thuốc về đến Hải quan lại bị ách lại đến 1 tháng vì những công văn đi lại giữa hải quan và Sở Y tế TP.HCM.

Có tờ báo nhận xét: "Nếu đường đi của thuốc bớt phức tạp lằng nhằng thì chắc chắn không xảy ra tình trạng phải tiêu hủy thuốc một cách lãng phí. Nhưng có lẽ, đúng hơn nên nói, nếu những người có trách nhiệm thực sự làm hết bổn phận trách nhiệm của mình vì người bệnh, vì đã không có sự việc gây xót xa này".

Được biết, Thanh Tra TP.HCM đang đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP.HCM làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan đến việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên. Và sau khi báo chí nêu, các đơn vị này cũng đều thông báo sẽ khẩn trương yêu cầu giải trình và kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan. Hy vọng, sẽ không còn những sự việc tương tự xảy ra nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước