"Tôi khóc nghẹn khi thấy thai nhi dù đã lớn nhưng vẫn bị vứt bỏ"

Minh Đức-Thứ ba, ngày 17/10/2017 07:47 GMT+7

VTV.vn - Những người làm công việc đón các thai nhi từ các phòng khám về để chôn cất nhiều năm cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều cháu đã rất lớn nhưng vẫn bị chối bỏ.

Làm công việc thầm lặng vì lòng thương và cả sự hối hận

Tham gia thực hiện công việc đón các thai nhi bị phá bỏ từ các phòng khám suốt 2 tháng nay đã khiến chị Thu Thảo (28 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cảm nhận được nỗi đau và sự thương xót đến tột cùng của một kiếp người, nhất là những kiếp người bé bỏng, chưa một lần được sinh ra đời, chưa nhìn thấy thế giới bên ngoài, bị chính bố mẹ mình chối bỏ.

Chị chia sẻ riêng tư, bản thân chị cũng đã từng phá thai 1 lần do bồng bột của tuổi trẻ, vì điều kiện kinh tế chưa sẵn sàng và cả người bạn trai cũng không lưu luyến gì đứa con nhỏ nên chị quyết định phá bỏ. Sau lần đấy, thay vì cảm giác nhẹ nhõm, lòng chị Thảo lại cảm thấy nặng trĩu tâm tư. Đến năm 2015, chị Thảo cưới chồng và sinh hạ được 2 cô con gái. Dù cuộc sống gia đình có thể được xem là viên mãn nhưng mỗi đêm, chị luôn hối hận và tự dằn vặt mình vì đã tước mất quyền sống của con năm đó.

Trong một lần đọc báo, thấy thông tin nhóm thiện nguyện thường xuyên đi đến các phòng khám đón các thai nhi bị ruồng bỏ về chôn cất, chị Thảo quyết định xin được tham gia và nhận được sự ủng hộ của chồng.

"Sau khi sắp xếp được công việc, cứ mỗi tuần 2 lần tôi lại cùng mọi người đến các phòng khám xin các thai nhi. Mọi người đều dựa hết vào mối quan hệ của mình để liên hệ đến các phòng khám xin được đón các con. Hầu hết, các con được đặt vào trong túi nilon, phân loại theo độ tuổi, nhiều thai nhi còn bé thì đặt chung 1 túi, những thai nhi lớn hơn, khoảng 6 - 7 tháng thì đặt vào túi riêng" - chị Thảo cho biết, sau khi nhận được các cháu thì nhanh chóng được đưa về một nhà của tình nguyện viên, cất vào tủ lạnh trữ đông. Vào ngày cuối cùng của tháng sẽ đưa các cháu ra nghĩa trang thai nhi tại Sóc Sơn để tắm rửa, khâm liệm và chôn cất.

"Mỗi lần cùng nhóm thiện nguyện đến các phòng khám xin thai nhi, trong lòng tôi đều nổi lên một nỗi đau nhức nhối trong lòng. Ban đầu, khi tự tay nhận những bọc nilon chứa thai nhi, tôi có cảm thấy hơi rùng mình, nhưng về sau, khi bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với các cháu, tự tay tắm rửa, mặc quần áo, khâm liệm các cháu thì tôi chỉ thấy tình yêu thương vô bờ với các cháu mà thôi" - chị Thu Thảo chia sẻ.

"Tôi từng chứng kiến cảnh nhân viên phòng khám vứt từng bịch rác chứa thai nhi vào thùng rác trước khi chúng tôi đến làm việc, xin đón các con về chôn cất. Nếu các nhóm tình nguyện viên không đến đón các con về thì những bịch nilon ấy sẽ bị cho bãi rác, bị chuột bọ tha gặm, thậm chí là trôi xuống cống lầy, những thi thể nhỏ bé đấy sẽ không một ai để ý, không ai biết đến" - nói đến đây, chị Thảo chực khóc, chị càng hối hận khi nhớ về đứa con nhỏ đã bị chị chối bỏ cách đây vài năm, đứa bé có lẽ đã bị đưa đến một bãi rác nào đó, chấp nhận một số phận bị người thân ruồng rẫy.

Chỉ ước có ngày không còn bào thai bị vứt bỏ để chôn cất

Chị Thảo cho biết, mỗi lần nâng trong tay thi thể lạnh ngắt của các cháu chị lại cảm thấy thương cảm đến chảy nước mắt: "Khi mới bắt đầu công việc, mỗi lần về nhà đều cảm thấy ám ảnh, ngay cả trong bữa cơm, giấc ngủ cũng khó yên lòng vì quá thương các con. Nhưng sau này làm nhiều thành quen, phải giữ cho lý trí tỉnh táo, tay không được run để còn tắm rửa cho các con. Có những lần thấy những thai nhi đã lớn nhưng không còn nguyên hình dạng, tay chân đứt rời, tôi chỉ cảm thấy rất buồn hận, chỉ có thể cố gắng làm hết sức có thể, giúp các con được thoải mái trước khi về với đất mẹ".

Tình nguyện viên chia sẻ, không ít lần thấy những thai nhi rất lớn, khoảng chừng 5 - 6 tháng tuổi vẫn còn nguyên trong bọc ối, tình nguyện viên phải đeo găng tay, xé bọc để đưa thai nhi ra. Trong bọc là một em bé đã phát triển đầy đủ ngũ quan, sống mũi cao, chắc chắn nếu được sinh ra đời sẽ là một cậu bé xinh đẹp, bụ bẫm. Mọi người có mặt tại đây chứng kiến cảnh này đều không cầm được nước mắt, vừa đau vừa tiếc cho các con.

Công đoạn tắm rửa cho các thai nhi cũng được làm như đối với người bình thường, sau khi rã đông, các thành viên trong nhóm sẽ dùng nước sạch, nước gừng để tắm rửa, sau đó mặc quần áo rồi mới tiến hành khâm liệm cho các cháu.

Tại nghĩa trang Đồi Cốc, Sóc Sơn - Hà Nội, mỗi tháng có đến hàng ngàn thai nhi được chôn cất tại đây. Tất cả đều được các nhóm tình nguyệt đón về từ khắp các phòng khám.

Anh Nguyên Trọng (đã thay đổi tên nhân vật) - một người thường xuyên làm công việc đón các thai nhi về mai táng cho biết, cứ 2 lần mỗi tháng, nhóm thiện nguyện của anh lại tổ chức chôn các cháu tại nghĩa trang Đồi Cốc, Sóc Sơn. Anh và nhiều tình nguyện viện trong nhóm đã làm công việc này nhiều năm nay, ước mơ duy nhất của anh là chỉ mong không phải đón một thai nhi tội nghiệp nào bị bố mẹ bỏ rơi nữa, nhưng các sản phụ vẫn đi nạo phá thai, khiến công việc này của nhóm thiện nguyện không thể nào "phá sản" như ước muốn.

"Thỉnh thoảng, các phòng khám bị kiểm tra thì không cho chúng tôi đến đón các thai nhi, đó là điều chúng tôi sợ nhất. Khi đó các con sẽ bị vứt ở bãi rác hoặc ở một xó xỉnh nào đó, nếu chúng tôi không tới kịp, nhặt các con từ thùng rác về thì các con sẽ nằm lạnh lẽo ở nơi không ai biết đến" - anh Minh bộc bạch.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Từ khóa:

thai nhi

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước