Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

"Ứng phó bão số 12, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo an toàn cho người dân"

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 03/11/2017 23:38 GMT+7

VTV.vn - “Bằng mọi biện pháp, phải chủ động ứng phó với bão số 12, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, ở đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 6 giờ qua phổ biến 30-50mm.

Hồi 19h ngày 3/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, khoảng sáng sớm ngày 4/11, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 7h ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Ứng phó bão số 12, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo an toàn cho người dân - Ảnh 1.

Hướng đi của cơn bão số 12. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 4/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,2 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.

Bão số 12 gây gió mạnh và sóng lớn trên biển. Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) gió mạnh dần lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.

Nước dâng do bão ở ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận từ 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận 3-5m. Ngoài ra, ven biển Nam Bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.

Từ đêm 3/11, trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Nam Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-9, giật cấp 11. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày mai, miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cấp 4.

Ứng phó bão số 12, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo an toàn cho người dân - Ảnh 2.

Tại điểm cầu Hà Nội

Dự báo, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to đến đặc biệt to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.

Theo báo cáo từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng,tổng số tàu thuyền đã thông báo, kiểm đếm là 60.547 tàu/288.626 lao động. Hiện chỉ còn 8 tàu của tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu với 61 lao động hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Các tàu đã nhận được thông tin về bão và đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại Ninh Thuận, 1 tàu/7 lao động hoạt động tại khu vực DK1 không liên lạc được. Hiện Bộ đội biên phòng, Trung tâm TKCN hàng hải khu vực 3 đang phối hợp tìm kiếm.

Ứng phó bão số 12, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo an toàn cho người dân - Ảnh 3.

Tỉnh Phú Yên ngày 3/11, trước khi bão số 12 đổ bộ. Ảnh: VGP

Tính đến ngày 3/11, 6 tỉnh bao gồm Thừa Thiên Huế, Binh ĐỊnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đều đã thực hiện việc cấm biển. Riêng tỉnh Khánh Hòa – nơi tâm bão đổ bộ - đã cho học sinh nghỉ học từ 12h ngày 03/11.

Trước tình hình trên, chiều tối 3/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chủ trì hội nghị trực tuyến để chủ động ứng phó với bão số 12 với các tỉnh dự báo chịu ảnh hưởng bởi cơn bão.

Tại điểm cầu thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phải thực hiện nghiêm Công điện 1659/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/11 về việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bão và mưa lũ khu vực miền Trung.

"Bão đổ bộ dự kiến vào Nam Phú Yên - Bắc Bình Thuận, trong đó tâm bão dự báo đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, bằng mọi biện pháp, phải chủ động ứng phó với bão số 12, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các khu vực trên biển, đảo và ven bờ tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, đặc biệt tàu thuyền đang còn trong khu vực nguy hiểm. Không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, đặc biệt đối với tàu vãng lai, tàu du lịch.

Đối với khu vực trên đất liền, kiên quyết sơ tán dân trong các nhà ở không an toàn, vùng trũng thấp cửa sông, ven biển; khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình đang thi công; có phương án đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, sẵn sàng khắc phục sự cố để bảo vệ sản xuất và ổn định sinh hoạt của người dân; đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an toàn công trình đê điều đang thi công.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tế để tham mưu chỉ đạo điều hành, nhất là đối với việc vận hành các hồ chứa.

Ứng phó bão số 12, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo an toàn cho người dân - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo ứng phó bão số 12.

Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm 4 tại chỗ để đối phó với tình huống lũ lớn, ngập sâu trên diện rộng và kéo dài.

Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu đê điều, hồ đập; kiểm tra vận hành các thiết bị cảnh báo khi có tình huống xảy ra.

Ứng phó bão số 12, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo an toàn cho người dân - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tại tỉnh Phú Yên và công tác phòng chống bão số 12 vào trưa ngày 3/11. Ảnh: VGP

Các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phát huy, tăng cường thời lượng đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cấp chính quyền chủ động các biện pháp phòng, tránh, tránh tư tưởng chủ quan song cũng không hoang mang trước các diễn biến thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.


Người dân Phú Yên chủ động ứng phó bão số 12 Người dân Phú Yên chủ động ứng phó bão số 12 Bão số 12 giật cấp 15, càng gần bờ càng mạnh Bão số 12 giật cấp 15, càng gần bờ càng mạnh Quảng Nam khẩn trương các biện pháp đối phó bão số 12 Quảng Nam khẩn trương các biện pháp đối phó bão số 12

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước