Bảo tồn văn hóa Tây Nguyên: Khi Nhà nước và cộng đồng để văn hóa cất tiếng nói trong không gian thực

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 26/06/2023 13:17 GMT+7

VTV.vn - Ở Tây Nguyên, vai trò của Nhà nước trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy chính sách văn hóa của các dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ.

Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm trước với những giá trị đa dạng và đặc sắc. Tây Nguyên sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị lịch sử và thẩm mỹ độc đáo như đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội, nghệ thuật diễn xướng… và kho tàng văn học dân gian, trong đó tiêu biểu là các bản trường ca được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sự biến đổi không gian sinh tồn, phương thức mưu sinh và tác động của cuộc sống hiện đại là những lý do quan trọng nhất dẫn đến sự mai một của một số loại hình văn hóa cổ truyền của Tây Nguyên.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045 về lĩnh vực văn hóa đã đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng. Đó là nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên; duy trì và xây dựng không gian công cộng trong buôn làng dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng, gắn với nhà Rông, nhà Dài, lễ hội cồng chiếng; chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thế giới, di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa đặc trưng của vùng, di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở Tây Nguyên, vai trò của Nhà nước trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy chính sách văn hóa của các dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ. Như vào năm 2002, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhà nước thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong phục hồi các xưởng chế tạo cồng chiêng, đẩy mạnh phong trào dưỡng xướng sử dụng cồng chiêng trong đồng bào dân tộc. Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp cũng đã có thay đổi nhận thức về công tác bảo tồn. Nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân đã được gìn giữ và phát huy.

Phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên vào cuộc sống đang được xem là giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Vai trò của cộng đồng được thể hiện rõ trong việc cùng nhau tạo dựng một môi trường sống đưa du khách trải nghiệm hoạt động của người dân hàng ngày.

Dù Tây Nguyên hiện đã mang một diện mạo mới, ít nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị mai một. Tuy nhiên, nền tảng văn hóa được đắp bồi qua hàng nghìn năm vẫn có sự chi phối mạnh mẽ trong đời sống đương đại. Vấn đề ở đây là phải khơi đúng mạch, phát huy đúng hướng trên quan điểm bảo tồn có chọn lọc, cần xác định trọng tâm, trọng điểm, cần trả lại không gian cho văn hóa Tây Nguyên. Đó chính là phương thức bảo tồn sống để văn hóa cất tiếng nói trong không gian thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước