Phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở thế mạnh riêng của từng địa phương

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 06/01/2024 12:03 GMT+7

VTV.vn - Các địa phương đang từng bước xác định phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa phù hợp với thế mạnh riêng có của mình, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng.

Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực đang được đẩy mạnh tại Việt Nam hiện nay. Đó là những ngành sản xuất phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội. Các ngành này gắn liền với sự phát triển của nền văn hóa đại chúng, là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa, nghệ thuật với kinh tế và công nghệ.

Ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước. Chính vì vậy, với tiềm năng phong phú, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Mới đây, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được tổ chức, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 quan điểm về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó công nghiệp văn hóa phải được tiếp cận bình đẳng về chính sách đất đai, thuế, tín dụng và các ưu đãi khác; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với phát triển du lịch, từng bước tạo dựng thương hiệu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích khi tham gia công nghiệp văn hóa.

Công nghiệp văn hóa đang trở thành tâm điểm của ngành kinh tế. Các địa phương phát huy được vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đa dạng được cơ cấu ngành nghề trong cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Thời gian qua, thủ đô cũng có nhiều sự kiện, hành động thiết thực hướng tới xây dựng công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố.

Nếu Hà Nội lựa chọn lĩnh vực thiết kế kiến trúc thì Phú Quốc chú trọng phát triển du lịch, Đà Lạt là thành phố sáng tạo về âm nhạc, Hội An là thành phố sáng tạo về thủ công và nghệ thuật dân gian... các địa phương đang từng bước xác định phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa phù hợp với thế mạnh riêng có của mình, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng trong khai thác và phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

"Mời gọi đầu tư tư, tập trung nguồn nhân lực mà trình độ phục vụ các dự án lớn liên quan đến công nghiệp văn hóa", ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết.

"Đầu tư không chỉ nguồn lực, về mặt vật chất mà còn có sự đầu tư về con người, cơ chế chính sách để chúng ta khai thác như thế nào, đó là điều rất quan trọng ", ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nói thêm.

Việt Nam đang mang hình ảnh đất nước tươi đẹp, giàu bản sắc ra thế giới, trong sự hiện diện ngày càng phong phú hơn của các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Trong đó, thế mạnh tài nguyên văn hóa đa dạng, dồi dào của từng địa phương cũng đang tạo nên sức hấp dẫn, thu hút người dân và du khách đến với Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước