Sách Tết: Người già đọc để hoài niệm, con trẻ đọc để yêu thương cội nguồn

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 09/01/2023 13:38 GMT+7

VTV.vn - Sự trở lại của phong trào tặng sách, lì xì sách đầu năm chính là những tín hiệu lấp lánh của sự hồi sinh văn hóa đọc.

5 năm trở lại đây, phong trào làm sách, tặng sách Tết đang dần sống lại. Trên các sạp sách, độc giả lại chứng kiến có những cuốn sách đẹp, có màu sắc bắt mắt, đó là những cuốn sách Tết. Những cuốn sách thơm mùi giấy mới đã góp phần làm nên phong vị ngày xuân. Vì vậy, sách Tết có đặc điểm nổi bật là không chỉ hay mà còn đẹp, được đầu tư kỹ càng về nội dung và hình thức. Những đơn vị làm sách đã tạo được thương hiệu riêng cho dòng sách Tết như Đông A, Thái Hà, Kim Đồng, Nhã Nam… với nhiều series về phong tục, tập quán sinh hoạt trong ngày Tết truyền thống và đương đại.

Sách Tết không chỉ để đọc mà còn để tặng, để ngắm, nên được gói ghém trang trọng, cầu kỳ. Sách được đóng hộp, tặng kèm tranh, có nhiều phiên bản bìa cứng, bìa mềm và phiên bản giới hạn cho người sưu tầm.

Cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, trào lưu sách Tết đã bắt đầu xuất hiện ở nước ta. Từ đó, xen lẫn mùi của pháo, bánh chưng ngày Tết còn có mùi của giấy mực, nó như một thú vui tinh thần tao nhã, đồng thời thể hiện sự trân trọng với văn thơ, chữ nghĩa của người xưa. Nhưng từ những năm cuối thập niên 50, trào lưu này bị mai một. Sau 60 năm, đến 2019, những cuốn sách Tết mới xuất hiện trở lại và được duy trì cho tới hiện nay.

"Việc trở lại của sách Tết trong những năm gần đây như một món quà đầu xuân là sự phục hưng văn hóa. Những nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đã đặt văn hóa là trọng tâm. Ở đây, đó không chỉ là khẩu hiệu mà văn hóa đang thực sự bắt đầu lan vào trong đời sống con người Việt Nam, vẻ đẹp truyền thống hay những giá trị tinh thần đang được phục hồi và lan tỏa. Tôi nghĩ không vẻ đẹp nào đẹp hơn trong đầu năm mới đến bằng thông điệp của văn hóa", nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.

Những câu chuyện, bài thơ dễ đọc, dễ nhớ về Tết cổ truyền hay chợ quê đầy màu sắc, ông Công – ông Táo, mứt tết… tất cả đều có trong sách Tết. Người gia đọc để hoài niệm, con trẻ đọc để biết yêu thương văn hóa cội nguồn, những cuốn sách giúp người đọc được nghỉ ngơi ngày Tết, tinh thần khuây khỏa hướng đến một năm mới tươi vui, hy vọng và nhiều năng lượng tích cực, đồng thời khơi gợi niềm yêu thích chữ nghĩa của con trẻ.

"Những người không làm sách, không trong giới văn học cũng vẫn hỏi tôi rằng năm nay có cuốn sách gì về Tết hay để họ mua như quà tặng. Thậm chí, có người mua sách hay về phong tục tập quán ngày Tết đặt lên bàn thờ dâng hương. Tôi cho rằng nhu cầu của bạn đọc đang tăng lên, nhận biết giá trị văn hóa trong đời sống con người đang tăng lên trong thế giới vật chất. Những người làm xuất bản, quản lý phải tranh thủ, chớp lấy cơ hội này để làm văn hóa đọc nói chung và văn hóa yêu sách Tết, yêu vẻ đẹp Tết truyền thống. Bởi vẻ đẹp ấy là một phần quan trọng của văn hóa Việt", nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết.

Việt Nam vốn là một đất nước hiếu học. Nhưng trong một thời gian dài, việc đọc sách dường như bị lãng quên, thể hiện ở tỷ lệ đọc sách trên bình quân đầu người rất thấp. Vì thế, sự hồi sinh của phong trào tặng sách, lì xì sách đầu năm chính là những tín hiệu lấp lánh của sự hồi sinh văn hóa đọc.

Sách Tết - nét đẹp văn hóa ngày xuân Sách Tết - nét đẹp văn hóa ngày xuân

VTV.vn - Vài năm trở lại đây, mừng tuổi bằng sách, tặng nhau sách ngày đầu năm đã dần trở thành trào lưu mới trong ngày Tết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước