Từ điển chính tả thì vẫn có thể... mắc lỗi chính tả?

Hải Yến-Thứ tư, ngày 10/06/2020 14:33 GMT+7

VTV.vn - Cuốn sách có tên "Từ điển chính tả tiếng Việt" gồm 718 trang, được in 5000 cuốn. Thế nhưng lại nhận được phản hồi của độc giả khi mắc 43 lỗi chính tả không đáng có.

" Nếu biên soạn chỉnh tả mà mù mờ như thế người đọc biết đâu mà lần"

Từ điển chính tả thì vẫn có thể... mắc lỗi chính tả? - Ảnh 1.

Vừa qua, trên facebook của tác giả có tên Hoàng Tuấn Công có đăng một loạt bài phân tích về những lỗi sai chính tả trong "Từ điển chính tả tiếng Việt".

Đây là cuốn từ điển do PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên, Thạc sĩ Hà Thị Quế Hương đồng tác giả, NXB ĐHQG Hà Nội xuất bản năm 2017. Sách có 718 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, in 5.000 cuốn, giá bìa 185.000 đồng; đơn vị liên kết và phát hành: Công ty TNHH MTV TM - DV Văn hóa Minh Long.

Theo ông Hoàng Tuấn Công dù cuốn sách này được biên soạn công phu và đầu tư thế nhưng vẫn mắc nhiều sai sót, nhầm lẫn không thể chấp nhận. Ví dụ: nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D... Nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả...

Cụ thể như:

Sai chính tả do không phân biệt được sự khác nhau giữa phát âm và chữ viết; không hiểu nghĩa từ nguyên hoặc chưa thật sự nhuần nhuyễn về tiếng

1. "BÀN: bàn hoàn (tv. bàng hoàng)".

Không phải "bàn hoàn" "tv" (thường viết) là "bàng hoàng". Đây là hai từ Việt gốc Hán có tự hình và nghĩa khác nhau. Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Vietlex): "bàn hoàn • 盤桓 đg. 1 [cũ, vch] quấn quýt không rời; 2 [cũ, vch] nghĩ quanh quẩn không dứt"; "bàng hoàng • 徬徨 t. ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa".

2. "BÁNH: bánh dày".

Viết đúng là "bánh GIẦY" hoặc "bánh GIÀY" (tên gọi bánh theo cách chế biến "giày", "xéo" cho nát nhuyễn ra).

3. "CHAI: con chai; canh chai".

Việt Nam không có "đặc sản" nào như vậy. Phải chăng ý soạn giả muốn nói tới "con trai" (trong "Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi"?) và món "canh trai" nấu bằng thịt của loài nhuyễn thể này?[K]

4."SỬ: xét sử".

Viết đúng là "xét XỬ". Vì "XỬ" 處 là từ Việt gốc Hán, có nghĩa xử hình án; còn "SỬ" 使 lại có nghĩa là khiến, sai khiến (viết "xét SỬ" có thể bị suy diễn thành: xét hỏi + sai khiến, ép cung). Cũng như phải viết "XỬ án" 處案 chứ không phải "SỬ án".[K]

Từ điển chính tả thì vẫn có thể... mắc lỗi chính tả? - Ảnh 2.
Từ điển chính tả thì vẫn có thể... mắc lỗi chính tả? - Ảnh 3.
Từ điển chính tả thì vẫn có thể... mắc lỗi chính tả? - Ảnh 4.

Những lỗi sai do độc giả Hoàng Tuấn Công cung cấp

Trên đây là một vài trong 43 lỗi sai mà tác giả Hoàng Tuấn Công tìm ra. Ngoài việc tìm ra sạn trong sách, tác giả có tìm hiểu và viết lại những từ được coi là chuẩn. Mọi thông tin này cũng đã được gửi tới PGS. TS Hà Quang Năng.

Theo ông Hoàng Tuấn Công: "Tác phẩm này cũng công phu đấy, nhóm tác giả cũng đầu tư công sức nhiều. Nhưng phương pháp biên soạn thiếu khoa học. Từ ngữ thiếu tra cứu, để xảy ra lỗi đáng tiếc. Từ điển chính tả yêu cầu chính xác hơn từ điển giải thích ngôn ngữ. Chính tả là phải hướng đến cách viết được thừa nhận, cách viết chuẩn ở trong nhà trường. Nếu biên soạn chính tả mà mù mờ như thế người đọc không biết đâu mà lần".

"Từ điển chính tả là bức tranh toàn cảnh tiếng Việt, có cả từ đúng và từ sai"

Ngay khi tiếp nhận thông tin, chủ biên cuốn sách là PGS. TS Hà Quang Năng đã trực tiếp tra cứu và có những ý kiến phản hồi.

Theo PGS. TS Hà Quang Năng, những lỗi sai mà ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra có lỗi đúng, có lỗi chưa đúng. Với hai lí do như sau: một là do chủ quan của người viết, tổng hợp cả những từ đã được sử dụng nhưng ít người biết. Hai là lỗi trong quá trình biên soạn sách.

Tuy nhiên, ông Năng cũng cho rằng mọi lỗi mà ông Công chỉ ra chưa phải đã đúng hết.

PGS.TS Hà Quang Năng, Chủ biên cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" cho rằng: "Đây là cuốn sách cho biết về bức tranh toàn cảnh tiếng Việt, có cả từ đúng và những từ chưa chuẩn mà vẫn được sử dụng".

Cụ thể như:

- CHAI: con chai, canh chai. Tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng: Việt Nam không có đặc sản nào như vậy. Nhưng trong "Đại từ điển tiếng Việt" (Nguyễn Như Ý chỉ biên) có mục từ chai. Chai cá dẹt mình, miệng lệch về một bên: Thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm.

- Sử: Xét xử là một từ mới trong tiếng Việt được cấu tạo bằng phương pháp rút gọn tổ hợp từ "Xem xét lại lịch sử". Trong từ điển chính tả vẫn có từ "xét xử" ở mục từ "xử"

Phản hồi lại ý kiến này tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng không thể sử dụng cách hiểu này để giải thích, điều này dễ gây hiểu nhầm và mập mờ trong cách giải thích.

"Việt Nam nên có luật về ngôn ngữ"

Không công nhận hoàn toàn tất cả lỗi sai, PGS. TS Hà Quang Năng cho rắng cuốn sách của mình không phải dùng cho học sinh. Vì trong giới thiệu cuốn sách không nhắc tới từ nào là dùng cho học sinh trong nhà trường. Đặc biệt là cũng có dòng ghi "Dù tác giả đã rất cố gắng và cẩn trọng trong quá trình biên soạn, nhưng có lẽ vẫn không tránh khỏi thiếu sót"

Từ điển chính tả thì vẫn có thể... mắc lỗi chính tả? - Ảnh 5.

PGS. TS Hà Quang Năng rà soát về những phản hồi của độc giả.

PGS. TS Hà Quang Năng cho biết: "Hiện nay chưa có văn bản pháp quy ở bậc cao nhất của nhà nước quy định thế nào là chuẩn chính tả. Mà chỉ có văn bản ở các Bộ với nhau hoặc là các cơ quan. Nên tôi mong muốn trong tương lai gần thì Việt Nam sẽ có luật về ngôn ngữ".

Nhưng trước khi nước ta có luật về ngôn ngữ để mọi người biết và thực hiện thì những cuốn từ điển được phát hành từ năm 2017 sẽ được "sửa sai" như thế nào?

Theo ông Hoàng Tuấn Công: "Với những lỗi sai như vậy, tôi nghĩ nên thu hồi và tiêu hủy".

PGS. TS Hà Quang Năng phản hồi: "Nếu có cơ hội làm lại, chúng tôi sẽ làm khoa học hơn. Nghĩa là phần chính văn sẽ đưa những từ chuẩn. Còn phần cuối hay phần phụ lục sẽ cung cấp những dạng chính tả được coi là chưa chuẩn để mọi người có thể tham khảo".

Như vậy, với một vài lúc thiếu cẩn trọng trong rà soát, một chút sơ suất trong khâu biên soạn thế là ra những tranh cãi về sách từ điển chính tả "mắc lỗi" chính tả. Chủ biên cho rằng có cái sai, có cái không sai. Nhà xuất bản thì không có ý kiến nào về cuốn sách này. Thực sự câu nói "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" cũng đúng trong trường hợp này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước