Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có ý định dùng văn chương, nghệ thuật để lập thân lập nghiệp. Người cũng không nhận mình là một nhà thơ, nhà văn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã trở thành người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa văn nghệ.
Đường Kách mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Di chúc - 5 tác phẩm, 5 di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận Bảo vật quốc gia, thể hiện những giá trị, ý nghĩa lớn lao trong tư tưởng của Người đối với công cuộc cách mạng của dân tộc vì mục tiêu đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một sự nghiệp văn học nghệ thuật, báo chí có giá trị lớn lao, với những tác phẩm đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tạo. Và trước hết mục đích sáng tạo văn học nghệ thuật của Người là để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới và con người mới. Từ ngòi bút tố cáo tội ác thực dân, thức tỉnh dân tộc, định hướng và tổ chức cả dân tộc đi vào cuộc đấu tranh giành độc lập, Người đã trở thành người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.
"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Trong kho tàng tư tưởng của Người, hệ thống quan điểm về văn hóa chính là viên ngọc sáng lấp lánh. Với trí tuệ của một nhà văn hóa lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lôi cuốn, mà còn quy tụ xung quanh mình đông đảo các văn nghệ sĩ tài năng, tạo nên một nền nghệ thuật cách mạng rực rỡ.
Làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc thế kỷ 20, cũng như sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới có vai trò quan trọng của những người nghệ sĩ - chiến sĩ. Một nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc theo tư tưởng của Bác Hồ đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của cả dân tộc.
"Bằng hành động thực tiễn, Hồ Chí Minh là nhà sáng tạo văn hóa, đồng thời là người tập hợp được một đội ngũ ưu tú, tinh hoa, đi theo cách mạng, phục vụ cách mạng và cống hiến một cách tự nguyện cho sự nghiệp cách mạng qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đến thời kỳ xây dựng trong hòa bình. Thành tựu đó gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, nhưng nguồn sáng về mặt tư tưởng, đạo đức, tình yêu chính là ánh sáng Hồ Chí Minh trong đội ngũ văn học nghệ thuật", GS.TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ.
Cho tới hôm nay, những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nguồn cảm hứng bất tận, là động lực trên hành trình sáng tạo của văn nghệ sĩ. Ngày càng có nhiều tác giả, tác phẩm mới không chỉ thể hiện tình yêu với Bác Hồ mà còn khắc họa những tấm gương học Bác tiêu biểu trong mọi lĩnh vực đời sống. Chính từ những câu chuyện giản dị nhưng đầy tính nhân văn, mỗi người cảm thấy gần gũi, thuyết phục, mong muốn được học , được hiểu và làm theo lời Bác.
Tháng 92023, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021 - 2023 đã nhận được trên 1.000 tác phẩm, tạo ra được sức lan tỏa mạnh mẽ. Có những tác phẩm rất công phu, mang tầm cỡ thế giới, kết tinh tài năng, tâm huyết và trách nhiệm của các nghệ sỹ hôm nay với lịch sử dân tộc. Kết quả đó chứng minh rằng tư tưởng của Bác vẫn là kim chỉ nam soi đường cho văn học nghệ thuật nước nhà. Và những giá trị ấy sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ, cũng như cho mỗi chúng ta tự nhìn lại mình, tự học, tự rèn theo gương Bác, để ngày càng tiến bộ và hoàn thiện hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!