Văn hóa đang được nâng tầm xứng đáng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 29/02/2024 15:19 GMT+7

VTV.vn - Vai trò của văn hóa đang được nâng tầm xứng đáng, bám sát vào quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội.

Đầu xuân cũng là dịp để nhìn thấy những sắc màu tươi sáng trong bức tranh chấn hưng văn hóa. Sự khởi sắc này chính là những trái ngọt bước đầu sau nhiều nỗ lực chấn hưng văn hóa thời gian qua. 

Nâng cao vị thế để văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội là chiến lược được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng. Mới đây, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. Bài viết đã tập trung nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa. Tổng Bí thư đã nhắc lại những quan điểm của Đảng, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, thời gian qua nhiều chính sách, cơ chế đầu tư cho văn hóa đã được ban hành và đạt những kết quả khả quan.

"Việc chi ngân sách cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao có sự tăng lên đáng kể. Một số nhiệm vụ đã được các địa phương đặc biệt quan tâm, như đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ cho đời sống văn hóa, văn nghệ của người dân…", bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Điều đáng nói là các địa phương đều đã nỗ lực tìm ra nét đặc sắc văn hóa của riêng mình để phát huy. Điểm nổi bật trong thời gian qua là sự tham gia tự nguyện, chủ động, sáng tạo của cộng đồng trong các hoạt động văn hóa. Nhờ đó, nhiều di sản văn hóa được tu bổ, tôn tạo, gắn kết với hoạt động du lịch, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là sứ mệnh vẻ vang nhưng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải khơi thông nhiều nguồn lực, từ cơ chế, tài chính, nhân lực, trong đó nguồn lực về con người đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, ở cấp cơ sở, để có nguồn nhân lực mạnh mẽ, về cả chất lượng và số lượng, việc thay đổi tư duy, thực hiện các giải pháp là vô cùng quan trọng. Đã có những tín hiệu mừng về sự chuyển biến tích cực trong đầu tư nguồn nhân lực văn hóa tại địa phương.

"Huy động được sự quan tâm vào cuộc của các địa phương sẽ góp phần hỗ trợ cùng Nhà nước để đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh thỏa đáng các nghệ nhân", TS. Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết.

Từ sự đầu tư về nguồn lực tài chính, con người, cho thấy vị thế, vai trò của văn hóa đang được nâng tầm xứng đáng, bám sát vào quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nguồn lực cho văn hóa không chỉ là vấn đề tài chính ngân sách, hay con người mà còn có cả cơ chế, chính sách, pháp luật. Vì việc tạo cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước