Hàn Quốc - Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

Minh Trang - Sơn Tùng (VTV4)-Thứ ba, ngày 06/01/2015 06:00 GMT+7

Samsung tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện thoại di động. Ảnh: VnE

Tính đến tháng 12/2014, Hàn Quốc có 4.110 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 37,23 tỷ USD.

Việt Nam và Hàn Quốc tuy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại Việt Nam từ trước thời điểm đó. Năm 2014 vừa qua không chỉ đánh dấu mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia được nâng lên một tầm cao mới với hàng loạt chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, mà còn là dấu mốc lần đầu tiên Hàn Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Tính đến 15/12/2014, Hàn Quốc có 4.110 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 37,23 tỷ USD, dẫn đầu trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào 18/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Vốn FDI của Hàn Quốc tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 23,8 tỷ USD (chiếm 61% về số dự án và 64% tổng vốn đầu tư đăng ký), ngoài ra là kinh doanh bất động sản, xây vận tải kho bãi, dệt may - da giày và nghệ thuật giải trí. Vậy đâu là những lý do khiến Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp Hàn Quốc?

Ông Lim Chae Yong, Tổng giám đốc, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hanoi cho biết: “Chúng tôi bắt đầu đầu tư nhà máy dệt may xuất khẩu đầu tiên tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2002, đến 2009 nhà máy thứ hai ở Thái Nguyên đi vào hoạt động. Trong suốt quá trình tìm hiểu, xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động và hoạt động sản xuất, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền địa phương, từ xã đến tỉnh”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Trước hết là công cuộc đổi mới, cải cách về thể chế của Việt Nam đang triển khai rất mạnh, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Thứ hai, chúng ta đang tham gia các hiệp định thương mại lớn nhất trên thế giới và đặc biệt là TPP, khi đó hàng rào thuế quan sẽ giảm xuống bằng 0 trong tất cả các lĩnh vực, điều đó sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu từ Việt Nam cũng như đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài”.

Năm 2015, hai nước sẽ chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do này được khởi động từ năm 2012 và đạt đến thỏa thuận sau 9 vòng đám phán. Hiệp định này bao gồm các nhóm nội dung chính về cam kết cắt giảm thuế quan trong thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ.

Ông Park Soo Kwan, Tổng lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Busan Kyeongnam nhìn nhận: “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ mở ra một trang mới cho hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ đối tác hợp tác song phương rất tốt, Hiệp định FTA này sẽ tăng cường quan hệ thương mại và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam”.

Cùng với các nỗ lực xúc tiến thương mại, Hiệp định thương mại tự do sẽ đóng góp trực tiếp vào mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, đưa kim nghạch thương mại song phương đạt 70 tỉ USD vào năm 2020.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước